Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, sáng 28/5, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân (sửa đổi).
Thảo luận tại hội trường, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao quá trình tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật. Nhấn mạnh đây là dự án luật lớn, có nhiều chính sách mới, quy định mới về tổ chức và hoạt động của Tòa án, nhiều nội dung mới có tính chất đột phá, nhiều nội dung tiệm cận với quốc tế, tháo gỡ một số vướng mắc thực tiễn, phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và thể chế hóa quan điểm, chủ trương theo các Nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp, về tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới với trọng tâm là đổi mới về tổ chức và hoạt động của Tòa án Nhân dân (TAND).
Các đại biểu đã cho ý kiến về nhiều nội dung cụ thể để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật như: quy định TAND thực hiện quyền tư pháp; thẩm quyền thành lập và giải thể các TAND; về TAND sơ thẩm chuyên biệt; tham dự và hoạt động thông tin tại phiên tòa; đổi mới TAND theo thẩm quyển xét xử; bảo vệ Tòa án; nhiệm kỳ của thẩm phán và nhiều nội dung quan trọng khác.
Trong phiên thảo luận, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh đã tham gia tranh luận tại hội trường với ý kiến của 2 đại biểu thành phố Hồ Chí Minh về việc đề nghị giữ nguyên quy định Tòa án có trách nhiệm thu thập chứng cứ như luật hiện hành.
Theo đại biểu, dự thảo quy định Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ tại Điều 15 dự thảo Luật là phù hợp về lý luận và thực tiễn, bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử, thể chế hóa định hướng trong Nghị quyết 27-NQ/TW đó là “xây dựng chế định tố tụng tư pháp lấy xét xử là trung tâm, tranh tụng là đột phá; bảo đảm tố tụng tư pháp dân chủ, công bằng, văn minh…”.
Về mặt lý thuyết, việc Tòa án trực tiếp thu thập chứng cứ rồi sau đó xét xử theo chứng cứ do tự mình thu thập có thể dễ có định kiến, xem nhẹ các nguồn chứng cứ khác do các bên thu thập, làm ảnh hưởng đến nguyên tắc vô tư, khách quan, hạn chế việc thực hiện yêu cầu về tăng cường tranh tụng trong xét xử.
Hơn nữa, trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính, nghĩa vụ chứng minh thuộc về đương sự. Tòa án thu thập chứng cứ có thể dẫn đến việc thu thập chứng cứ có lợi hoặc bất lợi cho một trong các bên đương sự, cũng như chưa đảm bảo đảm nguyên tắc “việc dân sự cốt ở đôi bên”.
Ngoài ra, việc bỏ quy định Tòa án thu thập chứng cứ còn góp phần nâng cao trách nhiệm, sự chủ động của đương sự trong thu thập, cung cấp chứng cứ; nâng cao ý thức của đương sự ngay từ khi tham gia các giao dịch, quan hệ cho tới khi xảy ra tranh chấp và trách nhiệm của họ khi thực hiện quyền khởi kiện.
Tuy nhiên, quy định này sẽ dẫn đến việc sửa đổi một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính về nội dung này. Trong khi đó, việc thực hiện các đạo luật có liên quan chưa được tiến hành tổng kết, đánh giá toàn diện về việc thu thập tài liệu chứng cứ của Tòa án. Trên thực tế, trình độ dân trí, ý thức, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân hiện nay còn những hạn chế nhất định, trong khi đội ngũ luật sư, người bào chữa chưa đáp ứng hết được yêu cầu của người dân.
Do vậy, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đề nghị cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát, đánh giá tác động kỹ hơn việc điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn này, nghiên cứu có những giải pháp hiệu quả để hướng dẫn, hỗ trợ tốt các bên thu thập, cung cấp, giao nộp tài liệu chứng cứ.
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Minh Ngọc