Chiều 25/5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, các đại biểu thảo luận tại Tổ về: Chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước). Điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021 – 2030.
Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình tham gia thảo luận tại tổ 12 cùng đoàn ĐBQH các tỉnh: Quảng Bình, Hưng Yên, Ninh Thuận.
Tham gia thảo luận tại tổ, đại biểu Đinh Việt Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh đồng ý với điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Đây là Chương trình quan trọng, có tác động tích cực đến phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS&MN, góp phần khắc phục khó khăn, vướng mắc hiện nay. Đại biểu đồng tình cao với điều chỉnh nguồn vốn đầu tư công, thể hiện sự linh hoạt và đa dạng hóa các nguồn lực triển khai dự án. Đề nghị Quốc hội sớm ban hành Nghị quyết và yêu cầu Chính phủ chỉ đạo thực hiện đảm bảo theo các quy định hiện hành. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền để đồng bào, nhất là các nhóm đối tượng được thụ hưởng Chương trình nắm bắt, yên tâm với chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, miền.
Đối với chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước), đại biểu Đinh Việt Dũng đồng tình cao, cho đây là dự án lớn, sau khi hoàn thành sẽ giải quyết điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, tạo không gian phát triển mới, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh khu vực vùng Đông Nam bộ và Tây Nguyên.
Bày tỏ băn khoăn về nguồn vốn, về thời gian thực hiện dự án, để đảm bảo tính khả thi trong triển khai thực hiện Dự án, đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành đưa dự án vào khai thác, đại biểu đề nghị cân nhắc phương án giao chủ đầu tư của dự án. Theo đó, không nên chỉ giao cho tỉnh Bình Phước làm chủ đầu tư mà các dự án thành phần nên giao cho cả 2 tỉnh Bình Phước và Đắc Nông làm chủ đầu tư, như vậy sẽ đảm bảo khả thi, nhất là thuận lợi cho công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư. Đồng thời cân nhắc về thời gian thực hiện.
Tham gia thảo luận tại tổ, đại biểu Nguyễn Thành Công (Đoàn ĐBQH tỉnh) đồng tình với Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước). Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi, đại biểu đề nghị cần làm rõ hơn sự phù hợp của Dự án với quy hoạch 2 tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Làm rõ việc điều chỉnh quy hoạch mạng lưới đường bộ, thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do dự án có sự thay đổi về hướng tuyến nhằm tối ưu hơn trong công tác thi công, khai thác, tạo không gian phát triển mới, tạo động phát triển cho 2 địa phương. Đề nghị cân nhắc mở rộng đầu tư đoạn kết nối 2km của dự án theo quy mô 4 làn xe để bảo đảm kết nối đồng bộ với đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh- Chơn Thành đang triển khai đầu tư. Đề nghị Chính phủ cần thống nhất chặt chẽ với nhà đầu tư quan tâm trong việc thu xếp vốn cho dự án, tránh trường hợp không lựa chọn được nhà đầu tư hoặc không huy động được vốn tín dụng cho dự án, dẫn đến phải chuyển sang hình thức đầu tư công, làm kéo dài thời gian, giảm hiệu quả đầu tư. Số hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án lớn, do đó đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo các địa phương ban hành chính sách bồi thường hỗ trợ tái định cư hợp lý, thỏa đáng đối với người dân bị ảnh hưởng bởi dự án, tránh tình trạng khiếu kiện, khiếu nại đông người, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội ở địa phương…
∗ Trước đó, trong phiên họp buổi sáng, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Báo cáo của Đoàn giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”.
Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao kết quả giám sát và nỗ lực của Đoàn giám sát, sự chỉ đạo sâu sắc, thường xuyên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Chính phủ và sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan liên quan để Đoàn giám sát hoàn thành nhiệm vụ. Kết quả giám sát cơ bản đạt được các mục tiêu đã đặt ra.
Các đại biểu Quốc hội thống nhất Nghị quyết 43 về chính sách tài khóa tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội là quyết sách đúng đắn, kịp thời, góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi phát triển kinh tế – xã hội.
Các nghị quyết về dự án quan trọng quốc gia đã cải thiện hạ tầng giao thông, mở ra không gian phát triển mới, tăng cường liên kết vùng, nội vùng tạo động lực, sức lan tỏa phục vụ phát triển kinh tế – xã hội cho các địa phương, các vùng trong cả nước và mở rộng đầu tư, thu hút vốn trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, nhiều đại biểu tập trung phân tích kết quả đạt được, bất cập, hạn chế và nguyên nhân, trách nhiệm trong việc thực hiện nghị quyết; đóng góp nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng quốc gia và thực hiện có hiệu quả các chính sách của Nghị quyết 43 còn chưa kết thúc.
Trong phiên thảo luận, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu làm rõ vấn đề đại biểu quan tâm.
Tin, ảnh: Minh Ngọc