Chiều 25/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về: Các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1/7/2024; phương án gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn theo Nghị quyết số 135/2020/QH14 ngày 17/11/2020 của Quốc hội. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cùng các vị đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình tham gia thảo luận tại Tổ 12 cùng đoàn ĐBQH các tỉnh: Quảng Bình, Hưng Yên, Ninh Thuận.
Phát biểu thảo luận tại Tổ, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) nhấn mạnh: Chính phủ đề xuất giải pháp thực hiện điều chỉnh tiền lương, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội theo quan điểm, nguyên tắc bám sát chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 27-NQ/TW, Nghị quyết số 28-NQ/TW, Nghị quyết số 42-NQ/TW và quy định của pháp luật để thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách liên quan theo lộ trình phù hợp, từng bước, thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, khả năng chi trả của ngân sách Nhà nước; bảo đảm tương quan cân đối, công bằng, bình đẳng giữa các đối tượng hưởng lương và trợ cấp, tạo động lực nâng cao năng suất và hiệu quả làm việc, góp phần phát triển kinh tế – xã hội đất nước.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng thông tin về các giải pháp bảo đảm nguồn lực thực hiện ổn định, lâu dài và có hiệu quả chính sách. Trong đó nhấn mạnh: Chính phủ đề xuất tăng 30% lương cơ sở từ 1,8 lên 2,34 triệu đồng/tháng; tăng 15% lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hiện hưởng; bổ sung quỹ tiền thưởng của khu vực công bằng 10% quỹ lương cơ bản.
Trợ cấp ưu đãi người có công tăng 35,7% từ 2,055 lên 2,789 triệu đồng/tháng; chuẩn trợ giúp xã hội tăng 38,9% từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng/tháng; lương tối thiểu vùng tăng 6%. Trong điều kiện hiện nay, nhất là sau đại dịch COVID-19, nhiều nước còn đang gặp khó khăn thì việc tăng lương là nỗ lực rất lớn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và phương án đề xuất tăng lương của Chính phủ là phương án tối ưu. Đồng chí đề nghị các đại biểu Quốc hội cần đẩy mạnh tuyên truyền tạo sự đồng thuận xã hội.
Trước đó, trong chương trình buổi sáng, các đại biểu thảo luận ở hội trường về dự án Luật Công chứng (sửa đổi). Qua phát biểu, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội thể hiện sự đồng thuận cao về sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Công chứng để kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật hiện hành.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến cụ thể, thẳng thắn, tâm huyết, thiết thực và đề xuất nhiều phương án sửa đổi. Theo đó, có đại biểu đề nghị cần nghiên cứu bổ sung quy định về chức danh trợ lý công chứng viên; cân nhắc, tính toán kỹ việc quy định loại hình tổ chức hành nghề công chứng; cân nhắc đối với đề xuất mở rộng phạm vi giao dịch về bất động sản được công chứng không phụ thuộc vào địa giới hành chính; cân nhắc cho phép thành lập văn phòng công chứng do 1 thành viên làm chủ theo mô hình doanh nghiệp tư nhân nhằm khắc phục những bất cập ở địa phương khó khăn về kinh tế, vùng sâu, vùng xa; cần quy định rõ trách nhiệm của người phiên dịch đối với tính xác thực và hợp pháp của nội dung bản dịch…
Cùng ngày, Quốc hội xem xét, biểu quyết thông qua việc điều chỉnh Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV; biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn văn kiện gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len. Quốc hội cũng tiến hành công tác nhân sự theo thẩm quyền.
Minh Ngọc – Hương Giang
Nguồn: https://baoninhbinh.org.vn/ky-hop-thu-7-quoc-hoi-khoa-xv-dai-bieu-quoc-hoi-tinh-tham/d20240625175017985.htm