Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, sáng 8/6, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) và dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên.
Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình thảo luận tại Tổ 12 cùng ĐBQH các tỉnh: Quảng Bình, Hưng Yên, Ninh Thuận. Dự thảo luận tại Tổ có Chủ tịch nước Tô Lâm, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh.
Tham gia góp ý về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị dự thảo luật cần bổ sung quy định chính đối với đối tượng nạn nhân bị buôn bán người.
Theo đại biểu, hiện nay trong dự thảo luật chưa đề cập đến vai trò của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở trong công tác phòng, chống mua bán người. Vì vậy, cần bổ sung vào dự thảo Luật chức năng, nhiệm vụ của lực lượng này vì đây là lực lượng nòng cốt hỗ trợ công an xã, giúp cho chính quyền xã bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở. Ngoài ra, đại biểu cũng góp ý cụ thể vào quy định tại khoản 1, điều 27 của Dự án Luật và một số quy định liên quan đến nguồn tài liệu chứng cứ xác minh nạn nhân mua bán người…
Cùng tham gia thảo luận tại tổ về Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình đồng tình với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống mua bán người nhằm hoàn thiện pháp luật phòng, chống mua bán người, tạo nhận thức thống nhất và đầy đủ về công tác phòng, chống mua bán người trong thời gian tới; nâng cao trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và của toàn xã hội trong công tác phòng, chống mua bán người góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phòng, chống mua bán người.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho rằng xuất phát từ đặc điểm tình hình mua bán người ở Việt Nam thì địa bàn, đối tượng thực hiện mua bán người chủ yếu diễn ra ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng khó khăn về kinh tế-xã hội. Cho nên về địa bàn trong dự án Luật quy định tại khoản 4, Điều 5 dự án Luật đã thiết kế: “Hàng năm, nên bố trí ngân sách cho công tác phòng chống mua bán người, ưu tiên vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn” là đúng đắn. Đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm về hành vi giả mạo người đang trong quá trình xác định là nạn nhân.
Cho ý kiến về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên, các đại biểu cơ bản tán thành sự cần thiết ban hành Luật Tư pháp người chưa thành niên. Dự thảo Luật đã thể chế hóa đầy đủ và bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng liên quan đến trẻ em; cơ bản phù hợp với nhiều quy định trong các văn bản pháp luật có liên quan và tương thích với Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên, để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, nhiều ý kiến đề nghị cần tiếp tục rà soát kỹ lưỡng các luật có liên quan để đề xuất sửa đổi, bổ sung ngay trong dự thảo Luật.
Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị đánh giá tác động đầy đủ hơn đối với một số chính sách mới, phát sinh điều kiện bảo đảm thực hiện và góp ý vào nhiều nội dung cụ thể liên quan đến các quy định về xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội, về thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên.
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035; Dự án Luật Công đoàn (sửa đổi).
Trong ngày Quốc hội biểu quyết thông qua các Nghị quyết về: Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025. Quốc hội thảo luận ở hội trường về đề nghị phê chuẩn văn kiện gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len.
Minh Ngọc- Thanh Thủy