Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, ngày 29/5, các đại biểu thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, ngân sách Nhà nước và nhiều nội dung quan trọng khác.
Phiên họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và Truyền hình Quốc hội Việt Nam để Nhân dân và cử tri theo dõi. Dự khán phiên họp còn có 58 đại biểu là Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, lãnh đạo các Ban của HĐND của 25 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đồng chí Hoàng Văn Kiên, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Bình và đại biểu Ban Kinh tế- Ngân sách (HĐND tỉnh) dự khán phiên họp.
Tại phiên họp, Quốc hội thảo luận ở hội trường về: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2024; kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023.
Phát biểu thảo luận tại hội trường trong phiên họp buổi chiều, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh nhất trí với báo cáo tình hình kinh tế – xã hội của Chính phủ và đánh giá cao báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hôi. Theo đại biểu, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, song tăng trưởng GDP và quy mô kinh tế Việt Nam trong giai đoạn phục hồi sau dịch Covid-19 vẫn đạt những con số ấn tượng.Tăng trưởng GDP giai đoạn 2022-2024 ước đạt khoảng 6-6,5%, gấp 2 lần tăng trưởng GDP bình quân thế giới và thuộc Top 15 nền kinh tế tăng trưởng cao nhất thế giới;Quy mô kinh tế năm 2023 đạt hơn 435 tỷ USD, đứng thứ 35/195 thế giới và 3/10 nước ASEAN, cùng với đó môi trường kinh doanh được cải thiện và các cân đối vĩ mô lớn được bảo đảm…
Theo đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, nếu nhìn sâu hơn vào mức độ đóng góp của các động lực tăng trưởng, thì tiêu dùng bao gồm tiêu dùng của Nhà nước và tiêu dùng của dân cư đóng góp lớn nhất cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, tuy nhiên chi tiêu Nhà nước và tiêu dùng tư nhân vẫn còn nhiều điều đáng bàn.
Với chi tiêu công, trong khi đầu tư công đang được thúc đẩy và có nhiều kết quả tích cực thì giải ngân các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 43 ngày 11/1/2022 của Quốc hội cho phục hồi kinh tế kết quả còn hạn chế, trong đó nhiều cấu phần có tỷ lệ giải ngân thấp. “Sự chậm trễ này khiến khả năng lan tỏa, ý nghĩa của chi tiêu công giảm đáng kể, đặt ra vấn đề ở khâu “thực thi” luôn là điều khiến chúng ta băn khoăn”- đại biểu Trần Thị Hồng Thanh nhấn mạnh.
Trong khi đó, tiêu dùng tư nhân, sức cầu tiêu dùng dù có nhiều tín hiệu phục hồi song còn khá yếu, tăng trưởng của tiêu dùng tư nhân ước chỉ tăng 5,2-5,5% trong giai đoạn 2022-2024, thấp hơn mức tăng trưởng chung của nền kinh tế; đóng góp của tiêu dùng tư nhân vào GDP có xu hướng giảm (từ mức khoảng 62-65% giai đoạn 2016-2019 xuống mức 41% năm 2023 và 57% trong Quý I/2024)…
Từ thực tế trên, để thúc đẩy kinh tế tăng tốc phục hồi, đại biểu đề nghị Chính phủ cần đặc biệt quan tâm thực hiện các giải pháp kích cầu tiêu dùng, từ đó tạo chuyển biến rõ nét sức cầu tiêu dùng, cả chi tiêu công hợp lý và tiêu dùng tư nhân.
Theo đó, đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục sớm xem xét các chính sách miễn, giãn, giảm thuế, phí cho doanh nghiệp và người dân (tương tự như năm 2023), trong đó có việc giảm thuế VAT 2% đến hết năm 2024, giảm phí trước bạ ô tô sản xuất trong nước (vừa là kích cầu tiêu dùng, vừa tăng doanh thu bán hàng, qua đó tăng thu thuế); đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh, đầu tư khoa học công nghệ, nghiên cứu và đào tạo phục vụ sản xuất chip bán dẫn, chuyển đổi năng lượng…
Đối với các cấu phần có tỷ lệ giải ngân thấp trong Chương trình phục hồi nên sớm nghiên cứu có phương án cụ thể về việc điều chuyển các cấu phần còn lại này sang hỗ trợ doanh nghiệp, địa phương chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng, sản xuất chíp, phát triển thị trường tín chỉ các bon, nhà ở xã hội, phát triển du lịch bền vững. Cùng với đó, có chính sách, giải pháp kích cầu tín dụng tiêu dùng một cách hợp lý để vừa kích cầu tiêu dùng cá nhân, vừa giảm tín dụng đen.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, kích cầu đầu tư tư nhân, tăng niềm tin của doanh nghiệp và nhà đầu tư. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo sâu sát hơn các bộ, ngành, địa phương trong việc thực thi Nghị quyết 02 về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam để có bước đột phá. Cùng với đó, nên nghiên cứu đề xuất luật hóa việc bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, đổi mới sáng tạo vì lợi ích chung…
Bày tỏ băn khoăn khi 4 tháng đầu năm 2024, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lại nhiều hơn số doanh nghiệp gia nhập thị trường, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đề nghị Chính phủ có đánh giá cụ thể hơn về tình hình doanh nghiệp để có giải pháp ứng phó phù hợp, cải thiện thực chất số liệu này. Cần đánh giá về các chỉ số như đổi mới sáng tạo, cơ sở hạ tầng (trong đó có hạ tầng số), chất lượng môi trường,quy mô chính xác của kinh tế số, kinh tế xanh…để có quyết sách cải thiện mạnh mẽ, phù hợp hơn, tốt hơn.
Để phát huy vai trò của các đầu tàu kinh tế trong phát triển tiêu dùng, đại biểu đề nghị cùng với việc hoàn thiện, ban hành các quy hoạch và chiến lược phát triển kinh tế-xã hội vùng, địa phương và các cơ chế, chính sách đặc thù cho một số địa phương, Chính phủ cần quan tâm hơn đến việc thực thi hiệu quả các cơ chế, chính sách liên kết vùng và cơ chế đặc thù theo các Nghị quyết của Bộ Chính trị. Qua đó phát huy tốt hơn vai trò của các đầu tàu kinh tế, các vùng kinh tế trọng điểm, các địa bàn tiềm năng, tăng khả năng dẫn dắt, lan tỏa với các vùng, địa bàn khác trong việc tiên phong phát triển tiêu dùng và đầu tư tư nhân.
Trong phiên thảo luận, các Bộ trưởng, trưởng ngành đã giải trình làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Minh Ngọc-Thanh Thủy