Ngày 23/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Trong phiên họp buổi sáng, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Trong phiên thảo luận đã có 27 đại biểu phát biểu tại hội trường, 8 ý kiến tranh luận, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã có phát biểu giải trình, làm rõ một số nội dung các đại biểu Quốc hội quan tâm.
Qua thảo luận, các đại biểu tán thành với sự cần thiết phải sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội nhằm đáp ứng yêu cầu thể chế hóa các nội dung cải cách chính sách bảo hiểm xã hội tại Nghị quyết 28 Hội nghị lần thứ 7 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội và bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, giải quyết căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn, tạo khung pháp lý thông thoáng, linh hoạt hơn. Đồng thời đảm bảo hài hòa lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động, phù hợp với trình độ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị dự thảo Luật cần tiếp tục rà soát để thể chế hóa đầy đủ hơn về chủ trương của Đảng, Nhà nước về bảo hiểm xã hội và tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện hơn, trở thành trụ cột an sinh xã hội chính, đáp ứng yêu cầu kinh tế – xã hội trước áp lực già hóa dân số, tác động của cách mạng, khoa học công nghệ đến thị trường lao động và những bất cập trong khi bảo hiểm xã hội hiện hành; đảm bảo kế thừa, ổn định và phát triển.
Đồng thời, rà soát hệ thống pháp luật liên quan và đánh giá tác động kỹ hơn các chính sách mới như là bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội, bổ sung nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc, giảm thời gian đóng bảo hiểm… để bảo đảm tính khả thi của dự thảo Luật, đặc biệt là các nguồn lực tài chính, chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội, khả năng cân đối quỹ bảo hiểm xã hội. Rà soát kỹ về quyền, trách nhiệm các cơ quan, tổ chức, cá nhân về bảo hiểm xã hội và tổ chức thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội, đặc biệt là vấn đề xử lý vi phạm các đối tượng trốn đóng bảo hiểm xã hội.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị bổ sung chế tài để hạn chế tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; Cần làm rõ cơ sở quy định mở rộng các đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; Cần đánh giá kỹ nguyên nhân của việc rút bảo hiểm xã hội một lần; Cần có đánh giá và bổ sung quy định về việc sử dụng công nghệ thông tin để quản lý bảo hiểm.
Đối với quy định hưởng bảo hiểm xã hội một lần, các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc thấu đáo, nghiên cứu, lấy thêm ý kiến của các đối tượng thụ hưởng, của người sử dụng lao động…
Trong phiên họp buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Mai Lan