Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, ngày 21/11, Quốc hội thảo luận về các Báo cáo công tác năm 2023 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; Báo cáo công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023.
Qua thảo luận, đa số các đại biểu Quốc hội cơ bản đồng tình với 5 báo cáo của các cơ quan và các báo cáo thẩm tra. Các báo cáo được chuẩn bị nghiêm túc, công phu, chất lượng, có đổi mới, bám sát tình hình thực tế, thể hiện kết quả đạt được trên tất cả các mặt công tác trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn. Điều đó phản ánh sự cố gắng, nỗ lực lớn của các ngành, các lực lượng, sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội.
Một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm thảo luận, đó là công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023.
Qua thảo luận, các đại biểu cho rằng: năm 2023, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN) tiếp tục được lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ, có bước đột phá mới, đạt nhiều kết quả toàn diện cả ở Trung ương và địa phương.
Kết quả công tác PCTN đã tiếp tục thể hiện quyết tâm mạnh mẽ PCTN, tiêu cực không ngừng, không nghỉ, không chùng xuống của Đảng và Nhà nước, góp phần quan trọng làm trong sạch bộ máy, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Bên cạnh đó, hoạt động lập pháp của Quốc hội có nhiều đổi mới, chú trọng thể chế hóa các quy định của Đảng liên quan đến công tác PCTN, tiêu cực ; đẩy mạnh công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật nhằm phát hiện những văn bản có nội dung còn sơ hở, bất cập, có thể phát sinh tham nhũng, tiêu cực để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục…
Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế để PCTN vẫn còn hạn chế. Tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết nội dung được giao trong luật, pháp lệnh, nghị quyết chưa được khắc phục triệt để, một số bộ, ngành chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật theo quy định. Chính sách, pháp luật trên một số lĩnh vực còn thiếu đồng bộ, một số quy định còn có nội dung sơ hở, bất cập, dễ bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực.
Trong công tác xây dựng pháp luật, còn trường hợp áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn chưa phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hoặc dùng hình thức văn bản khác không đúng quy định để thay thế cho việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Các đại biểu đề nghị Chính phủ tăng cường chỉ đạo các cấp, ngành tổ chức thực hiện đồng bộ biện pháp phòng ngừa tham nhũng; tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, tổ chức, các đơn vị trong thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.
Đồng thời đề nghị Chính phủ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục những hạn chế để nâng cao hiệu quả các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, nhất là trong việc công khai minh bạch, kịp thời sửa đổi, bổ sung định mức, tiêu chuẩn, quy tắc ứng xử, kiểm soát tài sản thu nhập, chuyển đổi vị trí công tác…
Trong phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong đã phát biểu giải trình các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.
Mai Lan