Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, ngày 26/10, Quốc hội tập trung thảo luận về dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).
Buổi sáng, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
Sau đó, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).
Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) gồm 87 điều và được bố cục thành 10 chương. So với Luật Tài nguyên nước năm 2012, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 55 điều, bổ sung mới 13 điều và bãi bỏ 5 điều.
Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) gồm 13 chương với 196 điều. So với Luật Nhà ở năm 2014 thì dự thảo Luật (sửa đổi) bãi bỏ 7 điều trong Luật hiện hành; sửa đổi, bổ sung 104 điều; bổ sung mới 34 điều; Luật hóa từ Nghị định 11 điều.
Tại nghị trường, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao việc chuẩn bị báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và thống nhất với nhiều nội dung của dự thảo Luật.
Với trách nhiệm cao, các đại biểu Quốc hội đã phát biểu nhiều ý kiến tâm huyết, đóng góp nhiều phương án, đề xuất cụ thể để hoàn thiện dự án Luật.
Cụ thể, về dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội nêu vấn đề về nguyên tắc quản lý, bảo vệ, điều hòa, phân phối, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra; bảo vệ tài nguyên nước và phục hồi nguồn nước; điều hòa, phân phối tài nguyên nước; kê khai, đăng ký, cấp phép về tài nguyên nước; sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tuần hoàn, tái sử dụng nước; công cụ kinh tế, chính sách, nguồn lực cho tài nguyên nước.
Đối với dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận về các vấn đề: hình thức sử dụng đất được đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại; cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; phát triển nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ của cá nhân; nhà ở xã hội xây dựng bằng vốn đầu tư công; xây dựng nhà lưu trú công nhân; rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng các quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy tại chung cư mini…
Sau khi nghe các ý kiến của đại biểu Quốc hội, các cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra đã giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Thái Học