Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, ngày 3/11, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Tại phiên thảo luận đã có 49 đại biểu phát biểu, 16 đại biểu tranh luận. Đa số ý kiến của các vị đại biểu đánh giá cao việc chuẩn bị Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thống nhất với nhiều nội dung của dự thảo Luật Đất đai trình Quốc hội.
Bên cạnh đó, các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến về những nội dung như: giải thích từ ngữ; thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; điều kiện về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng liên quan; các trường hợp cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần và hằng năm; đối tượng được sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế;
Quyền và nghĩa vụ về sử dụng đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài; quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng đất thuê trả tiền hằng năm; cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thực hiện dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ; phát triển, khai thác và quản lý quỹ đất;
Mối quan hệ giữa các trường hợp thu hồi đất và thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất, đang có quyền sử dụng đất; cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất không vi phạm pháp luật về đất đai, không thuộc trường hợp giao đất trái thẩm quyền; phương pháp định giá đất và các trường hợp, điều kiện áp dụng; hoạt động lấn biển; quyền và nghĩa vụ của đơn vị, doanh nghiệp quân đội, công an khi sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế;
Việc sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư công; giải quyết trong trường hợp chưa thống nhất về địa giới đơn vị hành chính; phạm vi nhận chuyển quyền sử dụng đất của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài; trường hợp tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài nhận chuyển nhượng dự án bất động sản; chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng đất thuê trả tiền hằng năm; sử dụng đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế – xã hội thông qua việc thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất; các vấn đề liên quan đến thu hồi đất;
Trường hợp Nhà nước thu hồi đất không được bồi thường tài sản gắn liền với đất; các trường hợp thu hồi đất do vi phạm quy định về đất đai; giá đất; bảng giá đất; Hội đồng thẩm định bảng giá đất, Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể; nguyên tắc, căn cứ, phương pháp định giá đất; giao đất, cho thuê đất, điều chỉnh mục đích sử dụng đất; điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất…
Thảo luận về thời điểm thông qua dự án Luật, một số ý kiến đồng ý với nhận định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, cho đến nay nhiều chính sách quan trọng chưa thiết kế được phương án tối ưu; trong quá trình rà soát, tiếp tục phát sinh các vấn đề chính sách mới còn ý kiến khác nhau do phạm vi của dự án Luật Đất đai rất quan trọng, liên quan mật thiết, chặt chẽ với nhiều quy định tại các luật khác.
Vì vậy trên cơ sở tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 6 về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo, xin ý kiến Quốc hội về phương án xem xét, thông qua dự án Luật trên tinh thần bảo đảm chất lượng dự án Luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và khả thi.
Mai Lan