Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, ngày 22/11, Quốc hội thảo luận về kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2023 và dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).
Buổi sáng, Quốc hội đã nghe đồng chí Dương Thanh Bình, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày Báo cáo kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2023; đồng chí Đoàn Hồng Phong, Tổng Thanh tra Chính phủ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.
Theo đó, sau thời gian bị tác động của đại dịch COVID-19 và thực hiện các biện pháp thực hiện giãn cách xã hội, tình hình công dân đến các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH có xu hướng tăng trở lại và gần bằng với thời điểm trước đại dịch.
Đánh giá chung về công tác tiếp công dân và xử lý đơn thư, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình cho biết, việc thực hiện công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đã được các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH thực hiện ngày càng bài bản, chất lượng, hiệu quả ngày càng được nâng lên.
Về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, các cơ quan hành chính, Tòa án nhân dân các cấp, Viện kiểm sát nhân dân các cấp và Kiểm toán nhà nước đã tiếp trên 391 nghìn lượt người; tiếp nhận hơn 450 nghìn đơn các loại; tỷ lệ giải quyết khiếu nại đạt trên 81%; tỷ lệ giải quyết tố cáo đạt trên 86%.
Thảo luận tại hội trường, các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với các báo cáo, cho rằng nội dung các báo cáo đã phản ánh, đánh giá đầy đủ tình hình tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội trong kỳ báo cáo.Đồng thời đánh giá công tác này đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, phát triển kinh tế – xã hội trên phạm vi cả nước và ở từng địa phương.
Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội cũng nêu nhiều ý kiến đóng góp như: cần làm rõ đặc điểm, tình hình tiếp công dân, tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2023; giải pháp nâng cao chất lượng hiệu quả tiếp công dân, xử lý đơn thư; đề nghị cần tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về tiếp công dân; đẩy nhanh việc rà soát, lập danh sách vụ việc đông người, phức tạp; nâng cấp, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo…
Kết thúc phiên thảo luận, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Sau đó, Quốc hội nghe Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Tờ trình về việc điều chỉnh Chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Quốc hội biểu quyết thông qua việc điều chỉnh Chương trình bằng hình thức biểu quyết điện tử. Kết quả: có 459 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 92,91% tổng sốĐBQH), có 453 đại biểu tán thành (bằng 91,70% tổng số ĐBQH).
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).
Các đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 và nhiều nội dung trong Tờ trình của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.
Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận về: phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật; vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân; nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân; việc bổ sung, điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án (thu thập chứng cứ trong hoạt động xét xử; xem xét, kiến nghị về tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản quy phạm pháp luật trong xét xử theo quy định của luật); việc giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử; việc đổi tên Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện theo thẩm quyền xét xử; việc thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt; quy định về sửa đổi ngạch, bậc thẩm phán; cơ chế bảo đảm an ninh, trật tự tại tòa án; việc tham dự, đưa tin tại phiên tòa; vấn đề đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ngành tòa án; kỹ thuật lập pháp…
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Mai Khanh của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình cho rằng, trong thực tế, cá nhân, tổ chức, cơ quan khi gửi đơn khiếu kiện đến Tòa án nhưng không chủ động thực hiện nghĩa vụ cung cấp chứng cứ. Hầu hết các vụ việc đều do Tòa án phải thực hiện thu thập các chứng cứ liên quan. Thực trạng đó làm nảy sinh một số hệ lụy, cần có giải pháp khắc phục để nâng cao chất lượng hoạt động của Tòa án nhân dân các cấp.
Kết thúc phiên thảo luận, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu giải trình, làm rõ những vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Thái Học