Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, ngày 31/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024 và nhiều nội dung quan trọng khác.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, ngày 31/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024 và nhiều nội dung quan trọng khác.
Theo đó, trong phiên họp buổi sáng, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).
Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao việc chuẩn bị báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thống nhất với nhiều nội dung của dự thảo Luật, đồng thời tham gia nhiều ý kiến để hoàn thiện dự án luật.
Đối với 3 vấn đề đang trình, 2 phương án đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận, thể hiện chính kiến, lựa chọn phương án. Đây là cơ sở để Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo hoàn thiện, trình Quốc hội lựa chọn xem xét phương án khả thi nhất.
Các đại biểu Quốc hội cũng đã cho ý kiến về các nội dung như phạm vi điều chỉnh, tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật, bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai, điều kiện thị trường bất động sản, giải quyết tranh chấp, công khai thông tin minh bạch…
Tuy nhiên, dự án Luật còn nhiều vấn đề phức tạp, tác động, ảnh hưởng lớn, liên quan đến nội dung một số dự án luật khác cũng đang được Quốc hội trình như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, vì vậy, các đại biểu đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiếp thu, hoàn chỉnh một cách thận trọng, kỹ lưỡng và toàn diện.
Trong phiên họp buổi chiều, Quốc hội thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024 và nhiều nội dung quan trọng khác.
Theo đó, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến về kết quả thực hiện giữa nhiệm kỳ kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021 – 2025, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 2021 – 2025, kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, các bất cập, hạn chế, nguyên nhân, giải pháp để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch và phát triển kinh tế – xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế và thực hiện Nghị quyết số 43… việc thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị quyết số 101/2023/QH15.
Ghi nhận quá trình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023 và nửa nhiệm kỳ, các đại biểu cho rằng trong bối cảnh nhiều khó khăn thách thức, khó khăn chồng chất khó khăn, song với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quyết liệt của Chính phủ, sự đồng hành có hiệu lực, hiệu quả của Quốc hội, đất nước đã vượt lên khó khăn, thách thức, đạt được nhiều kết quả quan trọng: Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, các cân đối lớn được đảm bảo, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước; hoạt động của doanh nghiệp thu hút đầu tư nước ngoài đã có chiều hướng thuận lợi hơn; bội chi nợ công trong giới hạn cho phép; đời sống nhân dân, an sinh xã hội cơ bản được đảm bảo; quốc phòng, an ninh được củng cố tăng cường; công tác đối ngoại đạt nhiều kết quả nổi bật, uy tín, vị thế của Việt Nam ở thị trường quốc tế ngày càng được nâng cao…
Các đại biểu cũng tập trung thảo luận, đánh giá những hạn chế, bất cập, những khó khăn, thách thức cần phải vượt qua, đồng thời đề xuất các giải pháp khắc phục hạn chế, tháo gỡ khó khăn để hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển kinh tế- xã hội năm 2023, dự kiến năm 2024 và cho cả nhiệm kỳ.
Các nội dung này sẽ được Quốc hội tiếp tục thảo luận trong phiên họp ngày mai (1/11).
Mai Lan