Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, chiều 10/11, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về Dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi); Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) và thảo luận về các báo cáo của Chính phủ về Sơ kết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, thành phố Đà Nẵng và kết quả 3 năm thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Đồng chí Đinh Việt Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh và các vị đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia thảo luận tại tổ số 12 cùng với ĐBQH các tỉnh: Quảng Bình, Hưng Yên, Tiền Giang.
Cho ý kiến vào Dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi), đại biểu Đinh Việt Dũng, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Lưu trữ năm 2011 và mục tiêu, quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật như được nêu tại Tờ trình của Chính phủ. Việc sửa đổi Luật này cũng là nhiệm vụ lập pháp đã được xác định tại Kế hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Hồ sơ dự án Luật được chuẩn bị công phu, đầy đủ tài liệu theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; nội dung dự thảo Luật cơ bản thống nhất với các chính sách được đề xuất khi đưa dự án Luật vào Chương trình. Đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo phải giữ nguyên quy định về quyền sở hữu về tài liệu lưu trữ đối với các gia đình, dòng họ theo như Luật cũ.
Đại biểu cũng cho rằng hiện khoản 1, Điều 5 đang trùng với khoản 5, Điều 2. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát lại và nên bỏ khoản 1, Điều 5, tránh trùng lắp. Điều 27- giải mật tài liệu lưu trữ, đại biểu cho rằng quy định khó thực hiện, cần nghiên cứu lại. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu bổ sung quy định đưa vào dự thảo luật Luật các nội dung liên quan đến quản lý hồ sơ công tác cán bộ, đảng viên là các tài liệu mật.
Góp ý về Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình tán thành với sự cần thiết ban hành, mục đích, quan điểm xây dựng và phạm vi sửa đổi. Đây là đạo luật đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa chính trị – xã hội sâu sắc. Việc sửa đổi Luật phải bám sát các cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn về xây dựng, bảo vệ, phát triển Thủ đô nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong các nghị quyết của Trung ương, của Bộ Chính trị, đặc biệt là Nghị quyết số 15 ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và giải quyết được những vấn đề thực tiễn đang đặt ra trong xây dựng, bảo vệ, phát triển Thủ đô…
Tuy nhiên đại biểu đề nghị cần rà soát, làm rõ và nổi bật hơn các quy định mang tính đặc thù vượt trội và đột phá về thể chế nhằm phát huy thế mạnh riêng có của Thủ đô, đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô văn hiến, hiện đại, tăng tính chủ động, phù hợp với khả năng và điều kiện đảm bảo cho tương lai dài hạn.
Nhất trí với chính sách về tổ chức chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, hợp lý, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Trong đó giao quyền cho Hà Nội có quyền quyết định số lượng biên chế cán bộ, công chức, viên chức (điểm d, khoản 1, điều 9). Tuy nhiên cũng cần phải thể hiện trong Luật quan điểm, đó là phải phù hợp với quy định của Đảng trong những trường hợp được phép. Dự thảo luật cũng cần quy định rõ thẩm quyền, nguyên tắc, quy trình, hạn mức ngân sách về vấn đề này. Rà soát bổ sung một số điều khoản cụ thể về cơ chế minh bạch, giám sát, giải trình của các nội dung được phân cấp, phân quyền nhằm đảm bảo hiệu lực, hiệu quả, rõ trách nhiệm trong phân cấp, phân quyền. Ngoài ra, đại biểu cũng góp ý cụ thể về Điều 17.
Trước đó, trong phiên họp buổi sáng cùng ngày, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024; thảo luận ở tổ về: dự án Luật Đường bộ; dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.
Mai Lan