Chiều 2/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, các đại biểu thảo luận tại tổ về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Các đồng chí: Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương; Đinh Việt Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh và các vị đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình tham gia thảo luận tại tổ số 12 cùng với Đoàn ĐBQH các tỉnh: Quảng Bình, Hưng Yên, Tiền Giang.
Thảo luận tại tổ về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương đánh giá cao tính phản biện và chất lượng thẩm tra của Ủy ban xã hội.
Nhấn mạnh BHXH là một trong 4 trụ cột quan trọng trong chính sách xã hội của đất nước, thể hiện tính ưu việt của chế độ XHCN, được sự quan tâm của xã hội, đại biểu đồng tình cao với 5 chính sách mà Chính phủ đã trình, thể chế hóa chủ trương của Đảng, qua đó tạo không gian phát triển thị trường lao động, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày một tốt hơn.
Đồng tình cao với quy định mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc (Điều 3). Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần quy định rõ hơn đối với đối tượng người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố khi họ ốm đau thì ai là người xác định và ai là người kiểm tra, giám sát việc thực hiện, bảo đảm đồng bộ, cụ thể, tạo thuận lợi trong thi hành Luật.
Về các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 8), đại biểu đề nghị không bổ sung 2 hành vi: không thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính; không thực hiện quyết định cưỡng chế thi hành Quyết định hành chính về BHXH. Vì chồng chéo với Luật xử lý vi phạm hành chính. Ngoài ra, đại biểu cũng tham gia góp ý cụ thể về Điều 44, Điều 71, Điều 101.
Tham gia thảo luận tại tổ, đại biểu Mai Khanh (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) đồng tình với Báo cáo thẩm tra dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) của Ủy ban xã hội; nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi Luật nhằm khắc phục những bất cập trong thực tiễn.
Góp ý về quy định hưởng BHXH một lần, đại biểu cho rằng trong thực tế, việc rút BHXH một lần phần đa là những người có hoàn cảnh hết sức khó khăn và cực chẳng đã mới phải dùng đến sự lựa chọn này. Quy định hưởng BHXH một lần là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, có ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động và vấn đề an sinh xã hội lâu dài, tác động nhất định đến tâm lý xã hội, người lao động. Do vậy, cần nghiên cứu thêm để có quy định chặt chẽ, phù hợp.
Cùng tham gia thảo luận tại tổ, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) đề nghị để đảm bảo tính thống nhất của Luật với các Luật khác, tránh chồng chéo, gây khó khăn trong quá trình thực hiện, cơ quan soạn thảo cần rà soát kỹ lưỡng hơn nữa, trong đó rà soát, đối chiếu lại với những quy định trong Điều ước Quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Đối với quy định chế độ BHXH (Điều 5), đại biểu đề nghị cần xem xét bổ sung chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Bên cạnh đó, đại biểu cũng góp ý cụ thể về các quy định như: trợ cấp hưu trí; thời gian đóng BHXH; mức hưởng trợ cấp thai sản; Quỹ BHXH.
Trước đó, trong phiên họp buổi sáng, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025; Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 – 2025 và một số vấn đề quan trọng khác.
Mai Lan – Thu Thủy