Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, sáng 24/10, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về tình hình phát triển kinh tế- xã hội, trọng tâm là đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội; vấn đề cơ cấu lại nền kinh tế và đầu tư công trung hạn.
Các đồng chí: Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu; Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Đinh Việt Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh và các vị đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình tham gia thảo luận tại tổ số 12 cùng với Đoàn ĐBQH các tỉnh: Quảng Bình, Hưng Yên, Tiền Giang.
Theo đó, các đại biểu thảo luận ở tổ về: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024. Tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024. Đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện các kế hoạch: phát triển kinh tế – xã hội năm 2021-2025; cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025; tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 – 2025. Kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Tham gia thảo luận tại tổ, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) cho rằng dù dự báo chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế của năm 2023 không đạt được như kế hoạch đề ra theo Nghị quyết của Quốc hội, song trong bối cảnh cả nước phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức ở trong và ngoài nước thì những kết quả đạt được là rất đáng ghi nhận và khích lệ, nhất là những nỗ lực, cố gắng của toàn hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương. Những kết quả như ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội; công tác đối ngoại có nhiều điểm sáng… được bạn bè quốc tế ghi nhận, góp phần khẳng định vị thế, uy tín quốc gia.
Về giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế năm 2024, đại biểu đề nghị cần rà soát và có giải pháp nâng cao chất lượng chỉ tiêu đô thị hóa, chỉ tiêu lao động qua đào tạo nghề. Đề nghị Chính phủ tập trung cao hơn công tác quản lý Nhà nước về phòng, chống thiên tai, sạt lở; quản lý về đô thị, xây dựng, đặc biệt là quản lý về công tác phòng, chống cháy nổ…
Cùng tham gia thảo luận tại tổ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024 đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình đề nghị tiếp tục phân tích làm rõ những hạn chế để có giải pháp căn cơ trước mắt và lâu dài tháo gỡ những khó khăn về chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội; chỉ tiêu hạn mức tăng trưởng tín dụng và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế và các vấn đề đầu tư khu vực ngoài Nhà nước…
Về nhiệm vụ, giải pháp điều hành phát triển kinh tế- xã hội năm 2024 của Chính phủ, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đề nghị cần bổ sung nhiệm vụ, giải pháp kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác sắp xếp đơn vị hành chính. Trong đó cần quan tâm đến hai vấn đề lớn, đó là: sắp xếp cán bộ công chức dôi dư và vấn đề bố trí, sắp xếp trụ sở công hiệu quả, tránh lãng phí…
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
Vào cuối phiên họp buổi chiều, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh trình bày Tờ trình về dự kiến danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm và tiến hành biểu quyết thông qua danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm bằng hệ thống biểu quyết điện tử. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở Đoàn về các vấn đề liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm.
Mai Lan – CTV