Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, sáng 28/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Tham gia thảo luận tại hội trường, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) thống nhất với sự cần thiết sửa đổi Luật Đấu giá tài sản, đồng thời cho rằng nội dung của dự thảo Luật cơ bản đã thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về xã hội hóa, chuyển đổi số, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; khắc phục những hạn chế, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý thúc đẩy tính chuyên nghiệp, công khai, minh bạch, khách quan, tính bền vững của hoạt động đấu giá; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động đấu giá tài sản, cũng như công tác quản lý nhà nước về đấu giá tài sản.
Góp ý về phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát nghiên cứu bổ sung vào dự thảo Luật một số quy định mà Luật hiện hành chưa quy định để tạo cơ sở pháp lý trong quá trình tổ chức thực hiện.
Theo đại biểu, hiện dự thảo Luật chưa có quy định thủ tục riêng cho việc đấu giá tài sản thi hành án. Trong khi đó, thực tiễn cho thấy: để đưa tài sản thi hành án ra bán đấu giá thì thời gian thường kéo dài từ lúc kê biên, thỏa thuận giá, lựa chọn tổ chức thẩm định giá, thẩm định giá, lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, ký kết hợp đồng dịch vụ đấu giá. Trường hợp bán đấu giá không thành thì giảm giá tài sản để tiếp tục bán…
Mỗi hành vi, công việc nêu trên của chấp hành viên, của các tổ chức, cơ quan đều có thể bị chủ tài sản/người phải thi hành án khiếu nại, tố cáo và quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo mất rất nhiều thời gian. Nhiều trường hợp người dân sợ rủi ro khi mua tài sản thi hành án nên việc bán đấu giá tài sản thi hành án thường tổ chức rất nhiều lần mà vẫn chưa có người mua. Đến khi bán đấu giá thành công thì không ít trường hợp, người phải thi hành án/chủ tài sản chống đối bằng nhiều hình thức nên dẫn đến chậm bàn giao tài sản cho người mua.
Từ đó dẫn đến quyền lợi của người được thi hành án, người trúng đấu giá bị ảnh hưởng; cơ quan thi hành án đối mặt với nguy cơ khiếu nại, tố cáo và bồi thường nhà nước… Do vậy, đại biểu đề nghị nghiên cứu, bổ sung các quy định riêng về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản thi hành án trong dự thảo Luật.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định về điều kiện cá nhân, người được ủy quyền tham gia đấu giá; bổ sung quy định rõ các trường hợp, căn cứ và thủ tục để hoãn phiên đấu giá.
Đối với quy định về thay đổi địa chỉ trụ sở doanh nghiệp đấu giá tài sản từ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương này sang tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác (Khoản 6, Điều 1 Dự thảo), đại biểu đề nghị nghiên cứu, bổ sung thêm quy định nghĩa vụ mà doanh nghiệp đấu giá tài sản phải thực hiện đối với cơ quan thuế khi thực hiện chuyển địa điểm trụ sở để đảm bảo phù hợp thống nhất với quy định của pháp luật về thuế và pháp luật doanh nghiệp.
Đồng thời đề nghị bổ sung quy định cụ thể đối với trường hợp doanh nghiệp đấu giá tài sản chưa hoàn tất xong hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản có được thay đổi địa chỉ trụ sở không?
Về quyết định thời hạn ký hợp đồng mua bán tài sản đấu giá sau khi cuộc đấu giá kết thúc, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung thêm thời hạn cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kết quả trúng đấu giá sau khi cuộc đấu giá kết thúc, vì bên cạnh các tài sản được chuyển giao thông qua ký hợp đồng mua bán thì có tài sản không thông qua ký hợp đồng mua bán mà do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kết quả trúng đấu giá…
Ngoài ra, đại biểu cũng góp ý cụ thể vào khoản 11, điều 1 và các quy định về chế tài xử lý vi phạm trong hoạt động đấu giá tài sản.
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Trong ngày, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ; biểu quyết thông qua Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).
Mai Lan