Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, chiều 9/11 các đại biểu thảo luận ở Tổ về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi). Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình tham gia thảo luận tại tổ số 12 cùng với Đoàn ĐBQH các tỉnh: Quảng Bình, Hưng Yên, Tiền Giang.
Thảo luận tại tổ, đại biểu Mai Khanh (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật nhằm cụ thể hóa Chiến lược cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; khắc phục những bất cập, vướng mắc trong thi hành Luật hiện hành; tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của TAND; xây dựng hệ thống Tòa án chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; hoàn thành trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân.
Góp ý về quy định chức năng thực hiện quyền tư pháp của Tòa án, đại biểu Mai Khanh cho rằng việc xác định Tòa là cơ quan thực hiện quyền tư pháp trong Luật là điều rất cần thiết để tạo cơ sở pháp lý cho Tòa án thực hiện có hiệu quả quyền tư pháp, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên cần nghiên cứu thêm để quy định nội hàm quyền tư pháp rõ hơn, thể hiện được nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tòa án là xét xử các vụ án.
Đồng tình với đề xuất quy định đổi tên Tòa án Nhân dân phúc thẩm thay cho Tòa án Nhân dân cấp tỉnh, Tòa án Nhân dân sơ thẩm thay cho Tòa án Nhân dân cấp huyện, đại biểu cho rằng việc làm này là cần thiết và quan điểm này đã tiếp cận với quan điểm tư pháp của thế giới, bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng đồng tình với đề xuất thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt để xét xử một số loại án đặc thù và nên giao thẩm quyền cho Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao trong việc ra Quyết định thành lập. Ngoài ra, đại biểu cũng góp ý về quy định ngạch, bậc thẩm phán.
Đồng tình với quan điểm của đại biểu Mai Khanh về quy định chức năng thực hiện quyền tư pháp của Tòa án (Điều 3), đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh) cũng đề nghị cần rà soát lại để bổ sung và làm rõ hơn Khoản 1 của Điều 3, bảo đảm tính tương thích với các quy định tại Khoản 2, Điều 3.
Tán thành cao với quy định Hội đồng tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia, đại biểu đề nghị giữ nguyên tên của Hội đồng.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị cân nhắc đề xuất quy định đổi tên Tòa án Nhân dân phúc thẩm thay cho Tòa án Nhân dân cấp tỉnh, Tòa án Nhân dân sơ thẩm thay cho Tòa án Nhân dân cấp huyện.
Đại biểu cũng đồng tình với việc không quy định Tòa án có quyền hạn ra quyết định khởi tố vụ án hình sự tại tòa và đề xuất thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt để xét xử một số loại án đặc thù.
Trong ngày, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024; Thảo luận ở hội trường về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.
Mai Lan – Tuấn Anh