Cúc Phương – đại ngàn bao la và huyền bí. Đây cũng là nơi cộng đồng dân cư Mường gắn bó từ ngàn đời. Dưới tán rừng, người Mường không chỉ tìm thấy sinh kế mà còn sáng tạo ra hệ giá trị văn hóa riêng vô cùng độc đáo. Một trong những thành tựu văn hóa mà ngày nay chúng ta còn biết đến đó chính là những bản Mo Mường.
Biểu diễn Mo Mường tại lớp tập huấn, bồi dưỡng, truyền dạy văn hóa phi vật thể huyện Nho Quan năm 2023. Ảnh: Minh Quang
Nghe thầy Mo kể chuyện nghề
Với nhiều người dân, câu chuyện về Mo Mường từ lâu đã nhuốm màu huyền thoại. Trong suy nghĩ của họ, những thầy Mo như những sứ giả của thế giới tâm linh, có một quyền năng vô hạn, với nhiều thứ bùa phép… Và người viết đã đem câu hỏi với nhiều lo lắng, tò mò đến gặp thầy Mo Đinh Văn Tân, thôn Bãi Cả, xã Cúc Phương (Nho Quan) để được giải mã.
Thầy Mo Đinh Văn Tân cho biết: Thầy bắt đầu hành nghề từ năm 1987, ban đầu chỉ đi vía, cúng đất và từ năm 2009, mới chính thức đi Mo. Ban đầu thầy đi chung với sư phụ của mình, là một người cậu trong dòng họ, về sau được người cậu truyền dạy lại các cuông Mo. Mặc dù thầy Mo Tân xuất thân trong một dòng họ thuộc dòng nổ (dòng họ có nhiều đời làm thầy Mo) tuy nhiên, việc làm Mo bị đứt đoạn ở thời trước đó. Cũng theo lý giải của thầy Mo Tân, thì dù xuất thân dòng Mo nhưng không phải ai cũng trở thành thầy Mo. Nó còn do cái tạng của mỗi người, do trí tuệ và quan trọng nhất là khi học nghề có vượt qua được những “thử thách” mà ông thầy truyền dạy đặt ra hay không.
Cũng theo thầy Tân, dòng họ và dòng Mo của thầy có gốc gác từ Hòa Bình truyền xuống, khác với dòng Mo có gốc từ Thanh Hóa truyền sang. Quá trình học Mo cũng khá gian nan, chủ yếu qua hình thức truyền khẩu. Việc học Mo không được thực hiện trong nhà do quan niệm nhà là nơi không sạch sẽ. Người học Mo phải học ngoài trời và ban đêm, khi mà mọi người đã đi ngủ, không gian yên tĩnh, thời điểm thích hợp nhất là khi “gà không gáy, chó không sủa”. Khi ấy, người học vừa nhập tâm, có sự chứng kiến của các “bề trên” để người học nếu có sai thì được các “bề trên” chỉnh sửa. Các bản Mo cực kỳ dài, một thầy Mo “khi đi Mo” phải hành lễ rất lâu, chẳng hạn như Mo lên (Mo lên trời) diễn ra trong thời gian 18 tiếng liên tục, không phải ai cũng đủ sức khỏe để hành nghề.
Ngoài ra, một thầy Mo không chỉ phải thuộc các cuông Mo, ruống Mo (có thể hiểu như các bài, các chương trong bản Mo) mà còn có thêm các “đồ vật linh” khi hành lễ như: Chuông nhỏ, sừng Hoẵng, răng nanh Hổ, đồng tiền âm dương, ngải (dùng để cho người đeo trừ tà)… Người đi Mo trước khi vào lệ (lễ) cần dùng nước lá tắm gội làm trong sạch bản thân, tẩy uế không gian nơi hành lễ và đội mũ đỏ, mặc áo đỏ, có đủ các vật linh khi hành lễ.
Theo thầy Tân, nghề thầy Mo là nghề làm phúc, nếu đặt nặng chuyện tiền bạc thì người đi Mo sẽ mang “nghiệp”, ảnh hưởng đến con cháu nhiều đời. Cũng vì vậy mà các sư phụ mới chọn người thật kỹ lưỡng và qua nhiều thử thách rồi mới truyền nghề. Tuy nhiên, nghề Mo đôi khi cũng nhiều nổi nênh. Vào những năm trước, khi việc nhìn nhận Mo Mường còn nhiều hạn chế, nhiều người coi thầy Mo như một thầy cúng, như những người truyền bá mê tín dị đoan, nên nghề Mo không được cộng đồng xem trọng.
Ngày nay, dưới ánh sáng của khoa học, những bản Mo Mường được nghiên cứu, đánh giá lại như một thành tựu tri thức của người Mường, những người theo Mo mới được cởi bỏ áp lực tâm lý bị kỳ thị. Nhiều người anh em thuộc dòng Mo của thầy Tân không chỉ biết những bản Mo ma, Mo vía, mà còn biết các bài thuốc lá, có kinh nghiệm đi rừng, biết tính lịch mùa vụ nhờ quan sát thời tiết… Điều thầy Tân lo lắng là, tuy Mo Mường đã được “nhìn nhận lại” nhưng nếu không có biện pháp bảo tồn kịp thời và hiệu quả thì những người biết Mo chẳng mấy chốc nữa sẽ không còn.
Giải ảo Mo Mường
Ngày nay, trong đời sống của cộng đồng dân tộc Mường ở Cúc Phương vẫn tồn tại hình thức thực hành tín ngưỡng Mo, đặc biệt Mo trong tang ma (hay Mo ma). Nghi lễ này giữ vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của đồng bào. Ngoài ra, cũng còn nhiều hình thức Mo như: Mo lễ, Mo vía, Mo trừ tà… Tuy nhiên, do cách thức hành lễ, do cách nhìn nhận của người dân còn hạn chế, nên nhiều người lầm tưởng thầy Mo cũng giống như các thầy cúng, thầy Trượng.
Bằng các nghiên cứu khoa học, những yếu tố kỳ ảo của Mo Mường dần được “giải ảo”, Mo Mường được nhìn nhận như là một thành tựu tri thức văn hóa, một “bách khoa thư dân gian”… Các thầy Mo, thuở xa xưa, chính là những trí thức trong cộng đồng dân tộc Mường, còn các bản Mo chính là một hình thức “lưu giữ” các tri thức truyền đến thế hệ sau.
Tác giả Trương Đình Tưởng, Chủ biên cuốn sách “Địa chí văn hóa dân gian Ninh Bình” nêu cách hiểu: Mo như là một trong những tục lệ trong đám tang mà thực chất một dạng sinh hoạt văn hóa truyền thống (văn hóa tâm linh) của người Mường.
Bà Vũ Thanh Lịch, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, từ góc độ người làm quản lý văn hóa nêu quan điểm: “Mo Mường là di sản văn hóa tinh thần vô cùng quý giá của người Mường, góp phần tái hiện lại lịch sử trời đất từ thủa hồng hoang đến khi xuất hiện loài người và quá trình đấu tranh với các thế lực để xây dựng và bảo vệ bản Mường. Đó cũng là những bài học của cuộc sống với những lời dặn dò con cháu phải hăng say lao động, biết trân quý nhau, sống trong sạch và làm con người tốt. Bởi vậy, bảo tồn và phát huy giá trị Mo Mường có ý nghĩa rất quan trọng trong cuộc sống hiện nay”.
Mo Mường-di sản văn hóa cần được bảo vệ
Theo thống kê của Sở Văn hóa và Thể thao, tại 2 địa phương huyện Nho Quan và thành phố Tam Điệpnơi có đông đồng bào Mường sinh sống, hiện chỉ còn 8 thầy Mo (tính đến tháng 7/2022) phân bố ở 4 xã là Cúc Phương, Kỳ Phú, Phú Long và Thạch Bình của huyện Nho Quan. Trong số đó, số thầy Mo có thể cử hành được tất cả các bản Mo còn rất ít. Với nhu cầu Mo tang ma trong cộng đồng còn rất cao, nhưng số lượng thầy Mo ít, một số thầy do tuổi cao sức yếu, đã lâu không thực hành nghề… nên không đủ đáp ứng nhu cầu Mo tang ma trong cộng đồng, người dân phải nhờ trợ giúp từ các thầy Mo từ Hòa Bình, Thanh Hóa.
Điều đáng quan tâm là các thầy Mo hiện có ở Ninh Bình đều đã cao tuổi, nhưng người kế cận rất ít. Số lượng ít, không gian diễn xướng bị thu hẹp, cộng thêm với việc truyền dạy Mo Mường chủ yếu qua con đường truyền khẩu, quan sát tham dự và thực hành nghề (đi theo phụ thầy làm đám) khiến việc bảo tồn Mo Mường càng thêm khó khăn, Mo Mường đối diện với nguy cơ mai một. Từ kết quả nghiên cứu thực trạng, kiểm kê di sản Mo Mường ở Ninh Bình, Sở Văn hóa và Thể thao đã đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa di sản văn hóa Mo Mường Ninh Bình vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Bà Vũ Thanh Lịch, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao trong tham luận tại Hội thảo khoa học về Mo Mường tại Hòa Bình năm 2023, nhấn mạnh: Mo Mường không chỉ là một nghi lễ quan trọng trong đời sống tâm linh của người Mường, mà còn là một sáng tạo vĩ đại của con người, trong đó hàm chứa gần như toàn bộ những giá trị hợp thành văn hóa Mường truyền thống (lịch sử, văn học, xã hội, nghệ thuật, tín ngưỡng, sinh hoạt…).
Tuy nhiên, theo thời gian, việc thực hành và giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa độc đáo của Mo Mường ở Ninh Bình đang dần bị thu hẹp và nguy cơ mai một luôn hiện hữu trên mọi phương diện, từ không gian thực hành diễn xướng, đội ngũ người làm Mo, nội dung Mo, việc truyền dạy Mo… Vì vậy, cần phải có những nghiên cứu kịp thời nhằm đề xuất những giải pháp phù hợp, chú trọng tăng cường sự tham gia sâu rộng của cộng đồng trong hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản văn hóa Mo Mường ở Ninh Bình hiện nay.
Phương Nam