Huyện Kim Sơn được coi là vựa lúa lớn nhất của tỉnh, với hơn 16.000 ha gieo cấy lúa mỗi năm. Gần đây, nhờ những quyết sách của tỉnh, của huyện trong hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp đã “chắp cánh” cho sản xuất lúa đặc sản, theo hướng hữu cơ tại huyện Kim Sơn ngày càng phát triển. Từ những mô hình nhỏ lẻ nay đã trở thành chương trình sản xuất lúa đặc sản, canh tác lúa theo hướng hữu cơ với diện tích hàng nghìn ha mỗi năm.
Đồng chí Vũ Văn Tấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kim Sơn cho biết, giống lúa đặc sản như nếp hạt cau đã được người dân trong huyện gieo cấy từ lâu, song quy mô nhỏ lẻ với hình thức tự phát. Năm 2010, diện tích lúa nếp hạt cau chỉ có khoảng 400 ha.
Đối với canh tác lúa theo hướng hữu cơ, mô hình xuất hiện đầu tiên là tại xã Xuân Thiện (nay là xã Xuân Chính) với diện tích 10 ha vào năm 2018. Trong các năm tiếp theo, có thêm một số mô hình tại xã Ân Hòa, Lưu Phương, Quang Thiện… nhưng tính chất là gieo cấy thí điểm với quy mô chỉ từ 5-10 ha.
Đến năm 2022, sau quá trình tuyên truyền, vận động tích cực các của cấp, các ngành và địa phương, cùng kết quả khả quan của các mô hình thí điểm trước đó, đặc biệt là “động lực” từ các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2022-2025 của HĐND tỉnh với Nghị quyết 32/NQ-HĐND; của HĐND huyện với Nghị quyết 38/NQ-HĐND (nay đã sửa đổi, bổ sung thành Nghị quyết 17/NQ-HĐND), diện tích lúa đặc sản, lúa canh tác theo hướng hữu cơ của huyện Kim Sơn đã tăng lên đáng kể. Từ những mô hình thí điểm nhỏ lẻ đã được nhân rộng, phát triển thành chương trình sản xuất lúa đặc sản, canh tác lúa theo hướng hữu cơ.
Cụ thể, năm 2022, diện tích trồng lúa nếp hạt cau của huyện đạt hơn 2.400 ha, lúa canh tác theo hướng hữu cơ là hơn 560 ha. Đến năm 2023, diện tích lúa đặc sản của huyện Kim Sơn vượt ngưỡng 3.000 ha gieo trồng lúa nếp hạt cau, lúa ST25; gần 1.200 ha lúa các loại được canh tác theo hướng hữu cơ.
Hiệu quả từ các chính sách mang lại không chỉ giúp tăng diện tích mà còn làm thay đổi nhận thức của người nông dân Kim Sơn trong việc canh tác lúa theo hướng bền vững, nâng cao giá trị.
Về xã Chất Bình, dẫn chúng tôi đi thăm những cánh đồng lúa đã ngả vàng, đồng chí Trần Văn Tiên, Chủ tịch UBND xã phấn khởi cho biết: Toàn xã hiện có hơn 330 ha đất trồng lúa, mỗi năm canh tác 2 vụ, trong đó khoảng 70% diện tích trồng giống lúa ST25. Tuy mới bắt đầu trồng thử nghiệm từ năm 2020, song với những kết quả cao cả về năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế, giống lúa ST25 đã được người dân trong xã tin tưởng, nhân rộng diện tích, thay thế các giống lúa chất lượng cao khác như Bắc thơm số 7 và LT2, trở thành giống lúa chủ lực của xã Chất Bình.
Đặc biệt, nhờ chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 38/NQ-HĐND ngày 31/3/2022 của Hội đồng nhân dân huyện về việc thông qua Đề án phát triển kinh tế nông nghiệp huyện Kim Sơn giai đoạn 2022-2025, từ năm 2022, xã đã hình thành hai vùng sản xuất giống lúa ST25 theo hướng hữu cơ với tổng diện tích 90 ha.
Hộ ông Nguyễn Hồng Khánh tại xóm 7 là một trong số hơn 200 hộ nông dân của HTX Cộng Thành (xã Chất Bình) được nhận hỗ trợ từ Nghị quyết 38/NQ-HĐNDcủa HĐND huyện Kim Sơn. Mỗi vụ, gia đình ông Khánh gieo cấy hơn 2 mẫu ruộng. Đến vụ mùa năm 2023 là vụ thứ tư của gia đình ông canh tác lúa ST25 theo hướng hữu cơ.
Ông Khánh cho biết: Ưu điểm của gieo trồng lúa theo hướng hữu cơ là cây lúa chắc, thân khỏe, lá dày, ít bị đổ rạp nên việc thu hoạch thuận lợi, tránh hao hụt về sản lượng. Những vụ trước đây, gia đình tôi đều thu hoạch trung bình 2,3 tạ/sào, cao hơn hẳn so với trồng lúa Bắc thơm số 7 và canh tác theo hướng truyền thống.
Còn ông Hoàng Ngọc Mây, Giám đốc HTX nông nghiệp Cộng Thành khẳng định: Sau 2 năm triển khai thực hiện hỗ trợ theo Nghị quyết 38 của HĐND huyện Kim Sơn, đã giúp thay đổi nhận thức của người dân về canh tác lúa theo hướng hữu cơ. Họ tự nhận thấy việc trồng lúa theo hướng hữu cơ giúp năng suất, sản lượng lúa được đảm bảo; quan trọng nhất là những tác động tích cực đến môi trường sinh thái ở đồng ruộng được cải thiện.
Việc hỗ trợ 50% chi phí mua giống, phân bón hữu cơ và thuốc trừ sâu bệnh sinh học trong 3 năm liên tiếp, tức 6 vụ gieo cấy đã giúp người nông dân có thời gian thích nghi và thấy rõ lợi ích của việc canh tác lúa theo hướng hữu cơ; giúp thay đổi nếp nghĩ, cách làm theo hướng truyền thống.
Tại xã Kim Tân, từ nguồn hỗ trợ theo Nghị quyết 32/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh về quy định chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025, trong vụ Đông xuân năm 2023, toàn xã có trên 200 ha diện tích canh tác các giống lúa nếp Hương và Hương Bình theo hướng hữu cơ, trên tổng số gần 400 ha đất nông nghiệp của xã. Trong vụ mùa, 100% diện tích được người dân trồng lúa nếp hạt cau.
Đồng chí Vũ Đình Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Tân cho biết: Từ vụ Mùa năm 2022, UBND xã đã triển khai thí điểm mô hình trồng lúa nếp hạt cau theo hướng hữu cơ. Với kết quả tốt cùng sự đồng tình, ủng hộ của người dân, trong vụ Mùa năm 2023 này, toàn xã có gần 60 ha trồng lúa nếp hạt cau theo hướng hữu cơ. Với sự “đồng hành” của các chính sách hỗ trợ của tỉnh, của huyện, xã định hướng xây dựng thương hiệu lúa nếp hạt cau canh tác theo hướng hữu cơ thành sản phẩm đặc trưng của Kim Tân.
Cũng theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kim Sơn cho biết thêm, tháng 6/2023 vừa qua, HĐND huyện Kim Sơn đã quyết định sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 38/NQ-HĐND thành Nghị quyết 17/NQ-HĐND, trong đó tiếp tục tăng mức hỗ trợ chi phí mua giống, phân bón hữu cơ kể từ vụ Mùa năm 2023.
Điều đó cho thấy sự đồng hành của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện với người nông dân để ngày càng nhân rộng diện tích canh tác lúa theo hướng hữu cơ trên địa bàn. Nhất là phát triển diện tích gieo trồng các giống lúa đặc sản theo hướng hữu cơ, nhằm nâng cao giá trị canh tác, thu nhập cho người nông dân, đồng thời tạo ra các sản phẩm chủ lực, đặc sản gắn với thương hiệu huyện Kim Sơn.
Thái Học -Anh Tuấn