Tham gia đoàn công tác của Phó Thủ tướng còn có lãnh đạo các bộ: GD&ĐT, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Y tế và đại diện cho các bộ ngành liên quan.
Tuần tra canh gác đê cho đến khi lũ rút
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã đi kiểm tra công tác vận hành Trạm bơm Gia Viễn, kiểm tra thực tế tại điểm tràn Lạc Khoái trên đê Hoàng Long.
Báo cáo trước Phó Thủ tướng, lãnh đạo tỉnh Ninh Bình cho biết, thời gian qua đã lãnh đạo, chỉ đạo, công tác chuẩn bị “4 tại chỗ”, các biện pháp ứng phó với tình hình bão, lũ trên địa bàn. Công tác vận động, sơ tán người dân trong vùng bị ngập lụt ở 2 huyện Nho Quan và Gia Viễn.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, số nhà bị ngập nước do lũ trên sông Hoàng Long là 1.005 nhà, tập trung ở khu vực ngoài đê.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ghi nhận tinh thần chủ động triển khai các phương án ứng phó với mưa lũ sau cơn bão số 3 của tỉnh Ninh Bình. Đặc biệt, Ninh Bình đã triển khai theo đúng quy trình dự lệnh xả tràn, tiến hành phương án di dân khi mực nước đạt 4,9 m và chuẩn bị tốt công tác “4 tại chỗ” ở địa phương.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, hiện nay mực nước trên các sông Hưng Thi, sông Hồng, sông Nhuệ đã giảm, thêm vào đó theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, mực nước trên sông Đáy và sông Hoàng Long đang có chiều hướng chững. Như vậy, các yếu tố tác động làm giảm mực nước lũ trên các sông của Ninh Bình rất thuận lợi.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng lưu ý, Ninh Bình cần phải nhận định rõ, việc mực nước lũ có chững chỉ giảm mức độ nguy hiểm, còn vẫn đang trên mức báo động 3, tình hình thời tiết vẫn diễn biến phức tạp. Do đó, không được chủ quan, cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, tổ chức các phương án trực sẵn sàng khi có tình huống xảy ra; huy động lực lượng tuần tra canh gác đê liên tục cho đến khi an toàn.
Phó Thủ tướng yêu cầu các cấp chính quyền huy động tối đa nguồn lực chăm lo tốt đời sống cho nhân dân, đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản, không để người dân thiếu thực phẩm, thiếu nước uống, thiếu thuốc chữa bệnh… Tăng cường công tác tuyên truyền để người dân tiếp tục nâng cao nhận thức về mức độ nguy hiểm của mưa lũ, chủ động phòng tránh an toàn.
Ban hành lệnh di dân
Chiều cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc đã ký Lệnh di dân, yêu cầu UBND huyện Gia Viễn, UBND huyện Nho Quan thông báo tới nhân dân vùng phân lũ, xả lũ trên địa bàn và triển khai phương án di dân khi mực nước sông Hoàng Long tại Bến Đế đạt (+5,3 m).
UBND huyện Gia Viễn, UBND huyện Nho Quan phối hợp với lực lượng Công an, Quân sự và các cơ quan có liên quan di dời dân và sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn khi cần thiết. Đảm bảo đưa được toàn bộ nhân dân vùng phân lũ, chậm lũ đến nơi an toàn trước trước khi vận hành tràn Lạc Khoái.
UBND huyện Gia Viễn, UBND huyện Nho Quan, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi và các đơn vị có liên quan sẵn sàng phương án xả tràn khi có lệnh.
Theo bản tin lúc 20h ngày 12/9, của Đài Khí tượng thủy văn Ninh Bình, mực nước trên sông Hoàng Long tại Bến Đế là 4,93m (trên báo động 3: 0,93m); tại Gián Khẩu 4,52m (trên báo động 3: 0,82m) trên mức đỉnh lũ lịch sử năm 2017: 0,02m. Sông Đáy tại Ninh Bình 4,21m (trên báo động 3: 0,71m), trên mức đỉnh lũ lịch sử năm 2017: 0,27m.
Dự báo trong 12-24h giờ tới: Mực nước trên sông Hoàng Long tại Bến Đế, Gián Khẩu tiếp tục lên chậm; tại Bến Đế khả năng ở mức 5,00-5,20m (trên báo động 3 từ: 1,00-1,20m); tại Gián Khẩu lên mức 4,50-4,70m (trên báo động 3 từ: 0,80-1,00m). Trên sông Đáy tại Ninh Bình tiếp tục biến đổi chậm, ở mức 4,20-4,40 (trên báo động 3 từ: 0,70-0,90m).
Cũng trong tối 12/9, lực lượng chức năng đã dùng bạt, bao cát gia cố mái đê sông Đáy ở khu vực Cảng Khánh An thuộc huyện Yên Khánh do có hiện tượng nước từ sông Đáy rò rỉ qua thân đê. Đồng thời, lực lượng chức năng đã dừng rào chắn, cấm tất cả các phương tiện lưu thông trên đê để đảm bảo an toàn.