P.V: Thưa đồng chí, nhiệm kỳ 2018- 2023 đã ghi dấu với nhiều kết quả nổi bật trong công tác Hội và phong trào nông dân của tỉnh, xin đồng chí cho biết những dấu ấn nổi bật?
Đồng chí Đinh Hồng Thái: Nhiệm kỳ qua, công tác Hội và phong trào nông dân tiếp tục phát triển và đổi mới mạnh mẽ cả về nội dung và phương thức hoạt động, qua đó phát huy vai trò nòng cốt, đoàn kết, sáng tạo của cán bộ, hội viên, nông dân, tham gia thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị, làm tốt chức năng đại diện chăm lo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân.
Kết quả, đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 12/12 chỉ tiêu Đại hội lần thứ VI đề ra, một số chỉ tiêu vượt cao. Công tác tuyên truyền thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các phong trào thi đua của Hội được triển khai sâu rộng, kịp thời, bằng nhiều hình thức phù hợp, hiệu quả, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền các hoạt động của Hội. Công tác xây dựng tổ chức Hội tiếp tục củng cố và phát triển, tổ chức bộ máy, cán bộ được sắp xếp lại theo hướng tinh, gọn, hoạt động hiệu quả, chất lượng sinh hoạt chi, tổ hội và hội viên ngày càng được nâng cao.
100% cơ sở Hội xếp loại vững mạnh; 8/8 Hội Nông dân huyện, thành phố hằng năm được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Hội tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm, hướng mạnh về cơ sở; đa dạng hóa các hình thức tập hợp nông dân, xây dựng Hội vững mạnh.
Trong nhiệm kỳ đã kết nạp trên 16.000 hội viên, nâng tổng số hội viên trong toàn tỉnh lên 134.095 hội viên, đạt tỷ lệ tập hợp 81%. Vai trò, trách nhiệm của Hội trong xây dựng giai cấp nông dân ngày càng được khẳng định. Phong trào thi đua do Hội phát động tiếp tục phát triển cả bề rộng và chiều sâu, nâng cao về chất lượng. Hoạt động hỗ trợ nông dân thiết thực, hiệu quả, kịp thời giúp nông dân tiếp cận và hội nhập trong tình hình mới. Các cấp Hội tăng cường tổ chức các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh.
Nổi bật là việc triển khai Đề án “Nông dân Ninh Bình nói không với thực phẩm bẩn” với chuỗi cửa hàng nông sản an toàn; công tác phát triển nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp. Có nhiều hoạt động an sinh xã hội, chăm lo cho hội viên, nông dân, đặc biệt trong giai đoạn bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19.
Nhiệm kỳ qua, các cấp Hội trong tỉnh đã xây dựng 317 mô hình giảm nghèo bền vững; vận động hội viên giúp nhau gần 27.000 ngày công, hỗ trợ giống, cây con, vật tư nông nghiệp… với tổng trị giá gần 3 tỷ đồng; giúp 3.579 hộ nông dân vươn lên thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh đến cuối năm 2022 còn 2,36%. Vị thế, uy tín của tổ chức Hội ngày càng được khẳng định trong hệ thống chính trị và đời sống xã hội ở nông thôn. Hoạt động của Hội Nông dân đã góp phần tích cực vào nhiệm vụ xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, quốc phòng, thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII đề ra.
Trong nhiệm kỳ, Hội Nông dân tỉnh được Chủ tịch nước tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì; được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua; được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, UBND tỉnh tặng Cờ đơn vị xuất sắc; nhiều cá nhân, tập thể vinh dự được Thủ tướng Chính phủ, Trung ương Hội và UBND tỉnh tặng Bằng khen.
PV: Có thể khẳng định những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ qua đã góp phần giúp nông dân tiếp cận và hòa nhập trong giai đoạn hiện nay, qua đó tiếp tục nâng cao vai trò, vị thế của tổ chức Hội. Đồng chí chia sẻ những bài học, kinh nghiệm rút ra trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Hội Nông dân tỉnh lần thứ VI?
Đồng chí Đinh Hồng Thái: Từ những kết quả trong nhiệm kỳ qua, Hội đã rút ra nhiều bài học, kinh nghiệm đó là:
Một là: Các cấp Hội phải nắm vững các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tranh thủ sự chỉ đạo của Hội cấp trên, sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng và sự tạo điều kiện của chính quyền để vận dụng sáng tạo, phù hợp với thực tiễn phong trào nông dân của từng địa phương. Chủ động phối hợp chặt chẽ với các ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các doanh nghiệp để tạo sức mạnh tổng hợp trong triển khai, thực hiện công tác Hội và phong trào nông dân.
Hai là: Thường xuyên củng cố tổ chức Hội, đa dạng hóa các mô hình hoạt động và các hình thức tập hợp hội viên để thu hút đông đảo nông dân tham gia vào tổ chức Hội. Quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Hội các cấp, đảm bảo có trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Thường xuyên củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội, nhất là cấp cơ sở.
Ba là: Tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, cán bộ Hội phải mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, thường xuyên bám sát cơ sở, nắm bắt tư tưởng của hội viên, kịp thời chỉ đạo phong trào phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động gắn với hoạt động dịch vụ, tư vấn, dạy nghề và hỗ trợ nông dân về vốn, vật tư nông nghiệp, hướng dẫn khoa học, kỹ thuật, phát triển sản xuất, kinh doanh. Trong lãnh đạo, chỉ đạo phải có trọng tâm, trọng điểm, hướng về cơ sở; phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến trong công tác Hội và phong trào nông dân.
PV: Để phát huy những kết quả nổi bật trong nhiệm kỳ qua, đặc biệt là phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, xin đồng chí cho biết phương hướng, nhiệm vụ quan trọng cần tập trung thực hiện trong thời gian tới?
Đồng chí Đinh Hồng Thái: Trong thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh xác định tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của các cấp Hội, tập hợp, đoàn kết đông đảo hội viên, nông dân, xây dựng Hội Nông dân vững mạnh về mọi mặt, là trung tâm và nòng cốt trong phong trào nông dân, xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, xây dựng đô thị văn minh; mở rộng và nâng cao chất lượng các hoạt động dịch vụ, tư vấn, dạy nghề, hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế. Thực hiện có hiệu quả vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, góp phần xây dựng tỉnh Ninh Bình trở thành tỉnh khá trong khu vực đồng bằng Sông Hồng.
Để đạt được mục tiêu này, các cấp Hội tập trung đổi mới phong cách làm việc và phương pháp công tác, phát huy vai trò nêu gương của cán bộ Hội; đa dạng hóa các hình thức tập hợp, phát triển hội viên. Đẩy mạnh việc thành lập chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp. Hoạt động hướng mạnh về cơ sở.
Đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi hội, tổ hội Nông dân đảm bảo thiết thực, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ. Tiếp tục phối hợp, huy động các nguồn lực đào tạo, bồi dưỡng, trang bị cho hội viên, nông dân có đủ kiến thức, đủ năng lực để làm chủ và phát huy vai trò chủ thể trong phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Trọng tâm là hỗ trợ nông dân thực hiện hiệu quả chủ trương cơ cấu lại nông nghiệp, thực hiện liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị, hình thành các Tổ hợp tác, Hợp tác xã, hướng dẫn nông dân tổ chức sản xuất theo quy trình kỹ thuật, bảo vệ lợi ích cho nông dân. Vận động nông dân tích cực tham gia các cuộc thi sáng tạo kỹ thuật nhà nông, ý tưởng nhà nông, tôn vinh sản phẩm nông nghiệp, tôn vinh nông dân xuất sắc, nhân rộng các điển hình sáng tạo của nông dân.
Tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án “Nông dân nói không với thực phẩm bẩn”, duy trì và nâng cao hiệu quả chuỗi “Cửa hàng nông sản an toàn”. Thành lập “Câu lạc bộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” cấp huyện, “Câu lạc bộ nông dân tỷ phú” cấp tỉnh. Xây dựng mô hình “Nông dân gương mẫu phân loại rác tại nguồn”.
Đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ nông dân về vốn, công nghệ, chuyển đổi số, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, giúp nông dân nắm chắc, hiểu đúng pháp luật để tham gia liên doanh, liên kết, hợp tác có hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi số… Tiếp tục phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong bảo vệ các di sản, các khu, điểm du lịch, các di tích lịch sử, văn hóa. Đồng thời, tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền các cấp, bám sát tình hình thực tế để triển khai các phong trào thi đua trong nông dân, đặc biệt là phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi, trở thành động lực trong phát triển kinh tế – xã hội.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong tình hình mới. Vận động hội viên, nông dân đề cao cảnh giác, không tham gia “đạo lạ”, không để các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân chủ để kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Mai Lan (Thực hiện)