Nổi tiếng với hơn 40 bài thơ khắc trên vách núi của các danh nhân, núi Non Nước ở tỉnh Ninh Bình được mệnh danh là “núi Thơ,” “bảo tàng Thơ” khắc nhiều bài thơ cổ nhất Việt Nam.
Núi Non Nước (hay còn gọi là Dục Thúy sơn, Băng sơn, Sơn Thủy, Thủy Sơn, Hộ Thành sơn…) nằm ở ngã ba sông Vân và sông Đáy, thuộc địa bàn phường Thanh Bình, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình.
Nhìn từ hướng Nam ngọn núi có dáng như bông sen nở bên bờ sông Vân, nhìn từ hướng Bắc có hình con chim chả đậu trên mặt nước. Đường lên đỉnh núi có 198 bậc đá. Trên núi có nhiều cây cỏ tự nhiên, quanh năm xanh tốt.
Núi Non Nước gắn với nhiều sự kiện lịch sử của đất nước qua các giai đoạn lịch sử khác nhau, trong đó có sự kiện Dương Thái hậu trao áo long bào cho Lê Hoàn trên bến sông Vân, dưới chân núi Non Nước, thực hiện cuộc chuyển giao quyền lực từ nhà Đinh sang nhà Tiền Lê. Thời kỳ Nhà nước Đại Cồ Việt, núi Non Nước là trạm tiền tiêu của kinh thành Hoa Lư xưa. Trong kháng chiến chống thực dân, đế quốc, Núi Non Nước là nơi để hiệu triệu tinh thần đấu tranh của nhân dân chống giặc ngoại xâm.
Không chỉ có vậy, ngọn núi này còn là nơi lưu giữ dấu ấn vật chất và tinh thần (các bài thơ, văn khắc trên vách núi) của nhiều vị vua, nhiều vị công hầu khanh tướng, các danh nhân, thi sỹ nổi tiếng của nước ta từ hàng ngàn năm trước.
Điều độc đáo nhất là tại Non Nước không nơi nào có được là trên núi có trên 40 bài thơ văn khắc vào núi và hàng trăm bài thơ vịnh cảnh của các nhà thơ, các danh nhân qua các triều đại như Trương Hán Siêu, Nguyễn Trãi, Phạm Sư Mạnh, Lê Thánh Tông, Lê Hiến Tông, Ngô Thì Nhậm.
Các bản khắc trên vách đá không chỉ là các tác phẩm văn học có giá trị mà còn là những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc công phu, có giá trị thẩm mỹ cao, được phân bố hài hòa trên các vách đá phẳng, dựng đứng, làm tôn thêm vẻ đẹp và kết tinh giá trị văn hóa của núi Non Nước.
Giáo sư, Tiến sỹ Đinh Khắc Thuân, Viện Trần Nhân Tông, Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định những bài thơ, văn bia thời Trần được khắc, viết ở núi Dục Thúy là nguồn sử liệu, văn liệu vô cùng quý giá, lưu giữ được nhiều chứng tích, dấu tích lịch sử với nhân vật lịch sử cụ thể, sự kiện lịch sử cụ thể.
Theo thống kê, hiện nay trên núi có tổng số 63 văn bia, trong đó có 53 bia chữ Hán và 6 văn bia chữ Quốc ngữ. Tuy nhiên, trải qua thời gian dài, dưới tác động của thiên nhiên, chiến tranh và một số tác nhân khác, trên núi chỉ còn lại 43 văn bia; trong đó có 37 văn bia chữ Hán-Nôm và 6 văn bia chữ Quốc ngữ. Toàn bộ các văn bia đều đã được phiên âm, dịch nghĩa, dịch thơ.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa đặc biệt, di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh núi Non Nước đã được công nhận là Di tích danh thắng cấp Quốc gia năm 1962 và Di tích Quốc gia Đặc biệt năm 2019.
Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của Di tích Quốc gia Đặc biệt núi Non Nước, tỉnh Ninh Bình đã đề xuất đưa núi Non Nước cùng với núi Cánh Diều vào Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với không gian chủ đề thương hiệu bảo tồn và phát huy giá trị di sản là Tiếp biến.
Đồng thời xây dựng Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt núi Non Nước trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, xây dựng công viên văn hóa Thúy Sơn làm điểm nhấn phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân, đồng thời bổ sung thêm một điểm du lịch văn hóa độc đáo cho du khách khi đến Ninh Bình.
Tỉnh Ninh Bình cũng hướng tới xây dựng hồ sơ đề cử ghi danh hệ thống văn bia tại di tích núi Non Nước, tỉnh Ninh Bình vào các Danh sách di sản tư liệu của UNESCO; góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản theo Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2024.
Thời gian qua, thành phố Ninh Bình đã quan tâm đầu tư tu bổ, tôn tạo một số hạng mục của núi Non Nước như Đường lên đỉnh núi treo cờ, cột cờ, nghênh phong… nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan của nhân dân địa phương và du khách.
Thành phố cũng thường xuyên kiểm tra, thực hiện kịp thời các hoạt động bảo vệ, giữ gìn và khôi phục nguyên trạng các văn bia trên vách núi, không để rễ cây và rêu bám làm ảnh hưởng xấu đến các bản khắc.
Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm gìn giữ di sản cho nhân dân, tỉnh cũng đẩy mạnh công tác nghiên cứu, thám sát, sưu tầm, nghiên cứu bổ sung để làm rõ hơn nữa các giá trị nổi bật của di tích.
Với các giá trị về lịch sử, văn hóa, tư liệu đặc sắc, núi Non Nước trở thành điểm đến thu hút du khách. Đây cũng là địa chỉ quen thuộc của các nhà trường trên địa bàn tỉnh khi thực hiện các nội dung giáo dục về lịch sử, văn hóa địa phương.
Vietnamplus.vn
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/kham-pha-di-tich-quoc-gia-dac-biet-nui-non-nuoc-nui-tho-doc-dao-nhat-viet-nam-post974828.vnp