Năm 2010, trong chuyến thăm, chúc tết tại Ninh Bình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (khi đó là Chủ tịch Quốc hội) đã về thăm Tòa Giám mục Phát Diệm ở huyện Kim Sơn. Sau hơn 14 năm, những ấn tượng về một người lãnh đạo giản dị, thân thiện và lời căn dặn về đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo của đồng chí vẫn in sâu trong tâm trí những chức sắc tôn giáo, cán bộ, đảng viên những người may mắn được dự buổi gặp mặt năm đó.
Vị lãnh đạo giản dị, gần gũi, hết lòng vì nhân dân
Lặng ngắm bức ảnh được bắt tay đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong buổi gặp gỡ ngày 11/2/2010, Linh mục Giuse Phạm Ngọc Khuê (Chính xứ Tôn Đạo) không giấu được niềm tiếc thương khi nghe tin nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng đã từ trần. Linh mục Khuê nhớ lại: Khi đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đang giữ chức Chủ tịch Quốc hội khóa XII. Biết tin Ngài về thăm Tòa Giám mục Phát Diệm, chúng tôi rất vui mừng, tích cực chuẩn bị tiếp đón với nghi thức cao nhất dành cho một chính khách của đất nước. Buổi gặp gỡ hôm đó diễn ra trong không khí thân tình và cởi mở. Tôi đặc biệt ấn tượng với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một người có dáng thư sinh, nhã nhặn, cách ăn mặc giản dị, trò chuyện thân tình, giọng nói ấm áp và nụ cười hiền hậu. Ông bắt tay và hỏi thăm sức khỏe từng linh mục, tu sĩ; đồng thời ân cần thăm hỏi bà con giáo dân về đời sống, công việc. Ông cũng dành nhiều thời gian trao đổi với chúng tôi về chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước là luôn tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người dân.
Sau buổi gặp gỡ năm đó, cùng quá trình dõi theo những hoạt động của Ngài qua phương tiện truyền thông, tôi thực sự cảm nhận được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một người sống hết lòng vì Nhân dân, vì quốc gia, dân tộc.
“Nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã mất, những hình ảnh về buổi gặp gỡ, cái bắt tay và nụ cười hiền hậu của Ngài cách đây 14 năm lại hiện về trong ký ức của tôi. Một niềm tiếc thương vô hạn khi phải tiễn biệt một nhân cách lớn của dân tộc, một vị lãnh đạo giản dị, gần gũi, hết lòng vì Nhân dân”-Linh mục Giuse Phạm Ngọc Khuê xúc động chia sẻ.
Khắc ghi bài học về đại đoàn kết toàn dân tộc
Cũng trong chuyến thăm Tòa Giám mục Phát Diệm ngày 11/2/2010, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn dành nhiều thời gian căn dặn cán bộ, đảng viên, các linh mục, tu sĩ, bà con giáo dân về truyền thống đoàn kết quý báu của dân tộc ta. Đồng thời, mong muốn cấp ủy, chính quyền và các tôn giáo của huyện Kim Sơn tiếp tục gìn giữ và phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết lương giáo để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Những câu nói giản dị, mộc mạc nhưng chứa đựng giá trị sâu sắc ấy vẫn còn in sâu trong trí nhớ của đồng chí Hoàng Văn Thắng, Bí thư Huyện ủy Yên Khánh, cũng là người được tham gia buổi gặp gỡ năm đó với cương vị là Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Kim Sơn.
Đồng chí Hoàng Văn Thắng cho biết: Phát biểu tại buổi gặp gỡ năm 2010, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi đó là Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, dân tộc Việt Nam, trong đó có giáo dân đều chung cội nguồn, chung dòng máu lạc hồng, cùng chung một mục đích là xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đồng thời khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước ta là phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết lương-giáo theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh để thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong quá trình công tác tại huyện Kim Sơn, sau này với cương vị là lãnh đạo chủ chốt của huyện, tôi luôn quán triệt sâu sắc lời căn dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết lương-giáo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo để thực hiện thắng lợi, toàn diện các nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Không chỉ là “kim chỉ nam” đối với cán bộ, đảng viên, lời căn dặn về đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết lương giáo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn được các chức sắc, chức việc cùng bà con giáo dân huyện Kim Sơn luôn ghi nhớ và thực hiện.
Linh mục Phêrô Nguyễn Hồng Phúc (Chính xứ Khiết Kỷ) cho biết: Những năm qua, tu sĩ và giáo dân của giáo phận Phát Diệm nói chung, giáo xứ Khiết Kỷ nói riêng luôn thực hiện tốt trách nhiệm công dân, kính Chúa yêu nước; chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước; hăng hái lao động, sản xuất, góp phần phát triển kinh tế-xã hội và tham gia các phong trào thi đua yêu nước của địa phương. Nhiều giáo dân đã trở thành tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế, tích cực tham gia đóng góp kinh phí và sức lực trong phong trào xây dựng nông thôn mới… Dù Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ra đi mãi mãi, nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện tốt lời căn dặn cách đây 14 năm của Người, cũng như thực hiện tốt nội dung Thư Chung của Hội đồng Giám mục Giáo hội Công giáo Việt Nam là “Đồng hành cùng dân tộc, sống phúc âm trong lòng dân tộc”, kính Chúa yêu nước; đồng hành cùng chính quyền và người dân huyện Kim Sơn xây dựng địa phương ngày càng giàu đẹp.
Những câu chuyện, chia sẻ của nhân chứng được trực tiếp gặp gỡ, trò chuyện với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm Tòa Giám mục Phát Diệm năm 2010 đã góp phần tô đậm cốt cách một nhà lãnh đạo giản dị, sống hết lòng vì Nhân dân, trọn đời vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Cùng với đó là lời căn dặn, bài học ý nghĩa sâu sắc về truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết lương-giáo để cán bộ, đảng viên, các chức sắc tôn giáo và người dân tỉnh Ninh Bình mãi mãi khắc ghi và phát huy để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của tỉnh; góp phần vào sự nghiệp cách mạng vinh quang của Đảng, của Bác Hồ kính yêu đã lựa chọn, cũng là mục tiêu mà trọn một đời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn phấn đấu thực hiện.
Thái Học
Nguồn: https://baoninhbinh.org.vn/khac-ghi-loi-day-cua-dong-chi-nguyen-phu-trong-ve-dai-doan/d2024072208088149.htm