Chỉ còn 10 ngày nữa, lễ khai mạc Festival Ninh Bình-Tràng An lần thứ II, năm 2023 chính thức diễn ra. Không quản thời tiết mưa nắng thất thường, cùng với các nghệ sỹ, diễn viên chuyên nghiệp đến từ các đơn vị nghệ thuật, lực lượng bộ đội, sinh viên, lái đò tại Ninh Bình cũng tham gia chương trình đặc biệt và ý nghĩa này.
Tại sân bóng trong khuôn viên Trường Đại học Hoa Lư, ngay từ sáng sớm của ngày thứ bảy cuối tuần đã rộn ràng tiếng nhạc và không khí luyện tập sôi nổi. Đây là địa điểm tổ chức luyện tập của lực lượng bộ đội đến từ Lữ đoàn Phòng không 241, Quân đoàn 12 và sinh viên Trường Đại học Hoa Lư.
Dưới sự chỉ đạo và hướng dẫn của biên đạo múa, NSƯT Hoàng Thanh, các anh lính bộ đội cụ Hồ chỉ quen với tay súng, thao trường… hơi lúng túng khi biểu diễn các động tác theo tiếng nhạc dân ca Nam Bộ. Nhưng những giây phút bỡ ngỡ qua nhanh khi các giai điệu cất lên cùng với sự hướng dẫn nhiệt tình của biên đạo múa, các động tác của các anh trở nên dứt khoát, đúng nhịp.
Thượng úy Đậu Đức Long, Lữ đoàn Phòng không 241, Quân đoàn 12 cho biết: Nhận nhiệm vụ từ Bộ Tư lệnh Quân đoàn, đơn vị đã huy động 80 chiến sỹ lên đường về Trường Đại học Hoa Lư luyện tập cho chương trình biểu diễn tại lễ khai mạc Festival Ninh Bình-Tràng An 2023. Từ ngày 13/12 đến nay, các chiến sỹ trong đội hình đã chấp hành nghiêm quy định, luyện tập hăng say với mong muốn được đóng góp vào thành công của lễ khai mạc Festival. Bên cạnh đó, tham gia biểu diễn tại Festival cũng là một kỷ niệm đẹp với cán bộ, chiến sỹ đơn vị khi có cơ hội được tìm hiểu về văn hóa các vùng miền của đất nước, được giao lưu, học hỏi, trải nghiệm trên sàn diễn mà không phải ai cũng có…
Ở một góc sân khác, hơn 100 sinh viên Trường Đại học Hoa Lư lại chia thành 3 nhóm luyện tập các nội dung khác nhau liên quan đến các sinh hoạt đời thường của người nông dân như: nhóm tập với chiếu, nhóm tập với dụng cụ bắt cá, nhóm các cô gái gánh gạo… Do đã trải qua 3-4 ngày luyện tập nên các sinh viên đã có động tác thuần thục, không còn lóng ngóng như ngày đầu.
Tham gia luyện tập cho chương trình biểu diễn tại lễ khai mạc Festival Ninh Bình-Tràng An 2023, Trường Đại học Hoa Lư đã tổ chức cho sinh viên luyện tập vào các buổi chiều trong tuần và tập 2 buổi/ngày vào 2 ngày cuối tuần. Với Trường Đại học Hoa Lư, việc huy động sinh viên tham gia biểu diễn tại một sự kiện ý nghĩa này là vinh dự và trách nhiệm lớn nên mỗi sinh viên đều nêu cao ý thức, trách nhiệm để hoàn thành nhiệm vụ được giao, đồng thời cũng dành thời gian để bố trí, sắp xếp việc học trên lớp.
Em Nguyễn Thị Minh Ánh, sinh viên năm thứ hai, Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Hoa Lư cho biết: Chúng em rất hào hứng khi lần đầu tiên được tham gia chương trình ý nghĩa và đặc biệt như thế này. Được chọn tham gia biểu diễn ở một sự kiện lớn, nội dung của tiết mục đều thể hiện những nét sinh hoạt thường ngày của người dân vùng nông thôn như: gánh gạo, bắt cá… nên chúng em còn nhiều bỡ ngỡ, nhưng tất cả đều quyết tâm cố gắng cao nhất để hoàn thành nhiệm vụ.
Cùng với sân tập tại Trường Đại học Hoa Lư, tại khu bến thuyền Tràng An, hơn 300 người lái đò tại Khu du lịch sinh thái Tràng An cũng được lựa chọn để tham gia tập luyện biểu diễn cho đêm nghệ thuật trong lễ khai mạc Festival Ninh Bình-Tràng An lần thứ II, năm 2023.
Theo kế hoạch, sau khi các tiết mục của từng lực lượng được luyện tập riêng lẻ, khi đã nhuần nhuyễn, các lực lượng sẽ hợp luyện để hoàn thiện tác phẩm. Theo kịch bản biểu diễn tại lễ khai mạc, chương trình khai mạc được dàn dựng công phu như một vở diễn thực cảnh đầu tiên được tổ chức trong không gian huyền ảo của Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An. Các yếu tố của sông, núi, âm nhạc, ánh sáng, công nghệ trình chiếu mapping cùng nghệ thuật múa đương đại, những màn khinh công chạy trên nước, vẽ thư pháp bằng nghệ thuật múa… sẽ hòa quyện, tạo thành một bức tranh thủy mặc tuyệt đẹp, kể câu chuyện về lịch sử, văn hóa của vùng đất Cố đô Hoa Lư-Ninh Bình và tinh hoa sắc màu văn hóa các vùng, miền dọc theo chiều dài đất nước.
Mang đậm tính sáng tạo và sự độc đáo, sân khấu thực cảnh trên sông nước Tràng An là nơi diễn ra các màn biểu diễn nghệ thuật của các nghệ sỹ, được dàn dựng hoàn toàn trên mặt nước, với diện tích trên 3.000m2. Được thiết kế trên ý tưởng hòa quyện yếu tố văn hóa với cảnh sắc thiên nhiên, tôn vinh nét đẹp của núi non, sông nước thơ mộng của Di sản Tràng An.
Trong không gian nghệ thuật ấy, các tiết mục: Màu thời gian, Huyền tích Hoa Lư, Hương Tràng An, Hội làng, Hát chèo quê mẹ, Hồn non nước… diễn ra có sự phối, kết hợp giữa các nghệ sỹ, diễn viên chuyên nghiệp và các diễn viên không chuyên của địa phương theo hướng mở, tăng tính tương tác với cộng đồng để người dân địa phương có thể tham gia vào các hoạt động của Festival.
Biên đạo, NSƯT Hoàng Thanh cho biết: Với chủ đề của Festival là “Sắc màu di sản- Hội tụ và lan tỏa” nên kịch bản chương trình nghệ thuật chính là sẽ kể câu chuyện về lịch sử, văn hóa của vùng đất Cố đô Hoa Lư-Ninh Bình và tinh hoa sắc màu văn hóa các vùng, miền của đất nước. Do đó, hình ảnh các anh lính bộ đội cụ Hồ, sinh viên Trường Đại học Hoa Lư hay người lái đò trên sân khấu sẽ hóa thân thành những nhân vật để kể câu chuyện về tinh hoa văn hóa của quê hương mình thông qua những tiết mục nghệ thuật đặc sắc nhất. Đồng thời, việc huy động người lái đò, học sinh, sinh viên, bộ đội tham gia chương trình sẽ giúp họ có thêm hiểu biết nghệ thuật, có cơ hội để giao lưu, tìm hiểu về di sản văn hóa các vùng, miền của đất nước…
Phan Hiếu – Minh Quang