(MPI) – Nhằm chuẩn bị, hoàn thiện các nội dung trình Hội đồng thẩm định nhà nước, ngày 11/10/2024, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã diễn ra cuộc họp Tổ chuyên gia thẩm định liên ngành Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam. Tham dự cuộc họp có thành viên của Tổ chuyên gia là đại diện các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố có Dự án đi qua.
Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: MPI |
Phát biểu mở đầu cuộc họp, ông Tăng Ngọc Tráng, Vụ trưởng Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổ trưởng Tổ chuyên gia cho biết, tại Văn bản số 458/TB-VPCP ngày 06/10/2024 về Kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về dự án đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam nêu rõ, dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam đã được Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng thống nhất chủ trương đầu tư toàn tuyến với vận tốc thiết kế 350km/h, vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết. Đây là công trình đặc biệt quan trọng đối với phát triển đất nước, góp phần nâng tầm vị thế, cơ đồ của quốc gia trong kỷ nguyên mới nên cần các Bộ, ngành quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt để triển khai thực hiện.
Thông báo kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng là hai văn bản chính trị rất quan trọng, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc, hiệu quả; quá trình triển khai thực hiện cần tổ chức có hiệu quả tạo sự thống nhất cao về nhận thức trong hệ thống chính trị và sự đồng thuận trong xã hội; cần đổi mới cách nghĩ, cách làm với quan điểm: “hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm; phân công rõ người, rõ tiến độ, rõ thời gian, rõ kết quả, sản phẩm; huy động mọi nguồn lực, trong đó yếu tố nguồn lực con người là quyết định, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần; không nóng vội, không cầu toàn; với tinh thần chỉ bàn làm, không bàn lùi; công tác chuẩn bị phải chặt chẽ, kỹ lưỡng nhưng khi thực hiện phải nhanh, hiệu quả”.
Thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải đã cố gắng, nỗ lực, quyết tâm chuẩn bị tốt Đề án để báo cáo Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng thời tập trung chuẩn bị hoàn thiện Hồ sơ Dự án đầu tư theo quy định để trình Hội đồng thẩm định Nhà nước. Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Hội đồng thẩm định Nhà nước đã rất quyết tâm, quyết liệt tổ chức thẩm định với tinh thần phối hợp chặt chẽ, hiệu quả và khẩn trương nhất. Thường trực Chính phủ đánh giá cao sự quyết tâm, quyết liệt của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hội đồng thẩm định Nhà nước; yêu cầu các bộ, cơ quan, Hội đồng thẩm định Nhà nước tiếp tục phát huy tinh thần này trong thời gian tới, phấn đấu hoàn thành công tác thẩm định sớm nhất để trình Chính phủ, trình Quốc hội xem xét thông qua chủ trương trước khi khai mạc kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV theo chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị.
Theo đó, ông Tăng Ngọc Tráng đề nghị thành viên Tổ chuyên gia tập trung thảo luận, cho ý kiến thẳng vào các vấn đề được nêu tại báo cáo nghiên cứu tiền khả thi do Bộ Giao thông vận tải trình; báo cáo kết quả thẩm tra của tư vấn thẩm tra; dự thảo báo cáo kết quả thẩm định.
Tại cuộc họp, đại diện Bộ Giao thông vận tải đã trình bày báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án và cho biết, công năng của Dự án là vận tải hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh và có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết; kết hợp giữa kinh tế và quốc phòng – an ninh. Báo cáo cũng tập trung vào các nội dung về cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ và một số giải pháp thực hiện dự án; vấn đề dự báo nhu cầu vận tải trên hành lang Bắc – Nam (cập nhật kết quả điều tra vận tải; phân bổ dựa trên lợi thế, chi phí vận tải từng phương thức; các nhật các quy hoạch và sử dingj mô hình dự báo tiên tiến để tính toán); …
Tham gia ý kiến, đại biểu đã cho ý kiến vào các nội dung cụ thể của Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án như phương án thiết kế kỹ thuật; hướng tuyến; sơ bộ tổng mức đầu tư; các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt cần thiết về huy động nguồn lực, về thủ tục đầu tư nhằm huy động tối đa nguồn lực và cắt giảm, rút gọn các thủ tục đầu tư Dự án; hình thức đầu tư và phân chia các dự án thành phần; dự báo nhu cầu, phạm vi phục vụ; sơ bộ về công nghệ, kỹ thuật chính, dịch vụ, hạ tầng;…
Ông Tăng Ngọc Tráng phát biểu kết luận tại cuộc họp. Ảnh: MPI |
Các ý kiến góp ý tại cuộc họp là cơ sở quan trọng để cơ quan chủ trì xây dựng báo cáo nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện để báo cáo các cấp có thẩm quyền theo quy định. Theo dự kiến, Hội đồng thẩm định Nhà nước sẽ hoàn thành thẩm định trước ngày 18/10/2024; Sau đó Chính phủ sẽ có Tờ trình và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Đây là dự án quan trọng quốc gia và Quốc hội là cấp quyết định chủ trương đầu tư Dự án. Việc xây dựng Dự án nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, góp phần tái cơ cấu thị phần vận tải trên hành lang Bắc – Nam một cách tối ưu, bền vững, tạo tiền đề, động lực cho phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Dự án dự kiến sẽ đi qua 20 tỉnh/thành phố, gồm: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai và thành phố Hồ Chí Minh./.