Sáng 9/10, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh phối hợp với Sở Công Thương tổ chức hội thảo tư vấn, phản biện Đề án “Phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, thân thiện môi trường, dựa trên năng lực kết nối doanh nghiệp nước ngoài với doanh nghiệp trong nước, đồng bộ hóa giữa phát triển công nghiệp, dịch vụ và đô thị”.
Tại hội thảo, đơn vị tư vấn (Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương) báo cáo tóm tắt nội dung của dự thảo Đề án.
Theo đó, Đề án gồm 4 phần: Thực trạng phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao liên kết giữa doanh nghiệp nước ngoài với doanh nghiệp trong nước; quan điểm, định hướng và mục tiêu phát triển; nhiệm vụ, chương trình thúc đẩy liên kết phát triển; một số giải pháp, chính sách và tổ chức thực hiện.
Đề án nêu tổng quan về thực trạng phát triển công nghiệp tỉnh Ninh Bình. Đến năm 2023, tổng GRDP của tỉnh đạt trên 88.947 tỷ đồng (theo giá hiện hành), đưa nền kinh tế toàn tỉnh trong giai đoạn từ 2016-2023 đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 8,4%/năm, cao hơn tăng trưởng kinh tế của cả nước trong cùng thời kỳ (đạt 5,9%/năm).
Giai đoạn từ năm 2015 đến nay, giá trị công nghiệp của tỉnh được đóng góp chủ yếu từ 2 nhóm ngành cơ khí chế tạo, lắp ráp và nhóm sản phẩm điện tử, linh kiện điện tử với tỷ trọng duy trì chiếm từ 45-48% trong cơ cấu giá trị tăng thêm công nghiệp toàn tỉnh.
Trong giai đoạn 2011-2020 cơ cấu công nghiệp của tỉnh chuyển dịch theo hướng hiện đại, tăng dần tỷ trọng ngành chế biến, chế tạo, giảm dần tỷ trọng ngành khai khoáng, duy trì ổn định ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt và ngành cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải.
Đến năm 2023, Ninh Bình có 97 dự án nước ngoài được cấp phép với tổng vốn đăng ký đạt 1.672,6 triệu USD.
Đề án cũng nêu một số phương hướng phát triển ngành công nghiệp, đó là chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo theo hướng đẩy mạnh các nhóm ngành, sản phẩm công nghiệp công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn, công nghệ sạch và sản xuất hàng công nghiệp xuất khẩu.
Có cơ chế, chính sách vượt trội thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo các ngành công nghiệp công nghệ cao, thân thiện môi trường. Giá trị tăng trưởng ngành công nghiệp phấn đấu đạt 12-12,5%/năm trong thời kỳ 10 năm (2021-2030); ngành công nghiệp – xây dựng, phấn đấu khoảng 10-11%/năm trong giai đoạn 2021-2030.
Đề án nhấn mạnh ngành công nghiệp là động lực chính thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh theo hướng hiện đại, dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ tiên tiến.
Khai thác hiệu quả các nguồn vốn của các thành phần kinh tế cho phát triển công nghiệp, trong đó vốn ngoài nhà nước và FDI là chủ lực. Khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế về tài nguyên, lao động, vị trí địa lý của tỉnh để phát triển công nghiệp theo hướng chế biến sâu, ưu tiên công nghiệp sạch, bền vững, thân thiện với môi trường.
Phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao gắn với phương thức quản lý hiện đại và sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nguồn lực, ít phát thải. Chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng lực quản lý, điều hành ngành công nghiệp.
Tại hội thảo, các đại biểu đã đóng góp ý kiến vào dự thảo Đề án. Trong đó nhấn mạnh việc phát triển công nghiệp công nghệ cao hiện nay đang là xu thế tất yếu, vì vậy Ninh Bình cũng không thể nằm ngoài xu thế này, cần nắm bắt thời cơ, phát huy lợi thế, tiềm năng của địa phương để tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao.
Đồng thời chỉ rõ Đề án chưa đưa ra được chiến lược, lợi thế cạnh tranh của tỉnh Ninh Bình đối với các địa phương khác về phát triển công nghiệp công nghệ cao trong bối cảnh tỉnh đang có rất nhiều lợi thế; nhấn mạnh tỉnh cần đặc biệt chú trọng đến việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, có sự chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, có lộ trình đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu công việc. Chú trọng phát triển công nghiệp công nghệ cao theo chuỗi, tập trung vào công nghiệp chế biến.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phạm Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh đã ghi nhận và tiếp thu các ý kiến tư vấn, phản biện của các đại biểu vào dự thảo Đề án.
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu và các ý kiến tư vấn, phản biện tại hội thảo giao Sở Công Thương, đơn vị tư vấn tập trung nghiên cứu, tiếp thu để kịp thời chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo Đề án trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định trong thời gian tới.
Tin, ảnh: Hồng Nhung
Nguồn: https://baoninhbinh.org.vn/hoi-thao-tu-van-phan-bien-de-an-phat-trien-cac-nganh-cong/d20241009135854634.htm