Ngày 3/11, Hội thảo khoa học quốc tế “Nhận diện, bảo tồn và phát huy giá trị nhà ở truyền thống trong vùng Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An” tiếp tục diễn ra phiên thảo luận thứ 2 với chủ đề “Xây dựng tiêu chí và định hướng phát huy giá trị nhà ở truyền thống trong Di sản thế giới Quần thể danh thắng Tràng An”.
Tham gia thảo luận tại diễn đàn, các nhà khoa học, nhà quản lý đã tập trung xác định cụ thể các tiêu chí nhận diện, đánh giá nhà ở truyền thống riêng cho vùng lõi di sản Tràng An. Bên cạnh phương pháp đánh giá nhận diện tiềm năng bảo tồn mà cụ thể là xác định tiêu chí đánh giá thì các nguyên tắc đảm bảo vừa bảo tồn, vừa phát triển ở khu vực đặc thù như vùng lõi di sản Tràng An là rất quan trọng. Vì vậy cần nhanh chóng xây dựng bộ nguyên tắc (tái) phát triển bền vững kiến trúc cảnh quan làng truyền thống trong vùng Di sản thế giới quần thể danh thắng Tràng An.
Dưới góc độ kiến trúc các nhà khoa học cũng đặt vấn đề về việc thực hiện Luật kiến trúc, quản lý các công trình kiến trúc có giá trị nổi bật, đặc thù trong vùng di sản, công tác trùng tu nhà ở truyền thống trong vùng di sản gắn với việc xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù… Để sớm thực hiện công tác bảo tồn và phát huy các giá trị của nhà ở truyền thống trong vùng di sản, các diễn giả cũng đã trao đổi, hiến kế để Ninh Bình tạo lập bộ tiêu chí đánh giá, quy chuẩn xác định về nhà ở truyền thống trong vùng di sản; thiết kế những mẫu nhà mang hình ảnh kiến trúc truyền thống có thể nhân rộng cho mô hình homestay phù hợp với cảnh quan, không gian trong vùng di sản và phù hợp với định hướng Đô thị Cố đô – Di sản.
Thay mặt Ban tổ chức, PGS.TS. Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia Việt Nam phát biểu tổng kết và khuyến nghị một số nội dung tại Hội thảo quốc tế “Nhận diện, bảo tồn và phát huy giá trị nhà ở truyền thống trong vùng Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An”.
Qua nghe ý kiến đóng góp của các chuyên gia Viện Nghiên cứu của Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, từ các cơ quan quản lý trực tiếp khu di sản Tràng An, đặc biệt là nghe chia sẻ kinh nghiệm từ các chuyên gia quốc tế từ Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia Việt Nam khẳng định: Đây thực sự là Hội thảo mang tính quốc tế không chỉ là vì nó đã kết nối các tri thức khoa học liên ngành trong và ngoài nước mà ngay ở hình thức tổ chức hội thảo online đã có tương tác rất linh hoạt góp phần tạo nên thành công của Hội thảo.
PGS.TS. Đặng Văn Bài chỉ rõ, những nội dung tham luận tại Hội thảo đã tập trung làm nổi bật các nội dung: Nhận diện giá trị ngôi nhà ở truyền thống, rộng hơn là vai trò của cấu trúc làng trong vùng lõi di sản Quần thể Danh thắng Tràng An, trên cơ sở đánh giá thực trạng công tác quản lý và bảo tồn nhà ở truyền thống, các ý kiến đã khẳng định vai trò kết nối quỹ kiến trúc vùng nông thôn tạo lập giá trị độc đáo cho Di sản thế giới Tràng An.
Các nhà khoa học đã đề xuất các khung tiêu chí làm cơ sở cho bảo tồn và phát huy giá trị nhà ở truyền thống trong Di sản thế giới Quần thể danh thắng Tràng An. Không chỉ vùng lõi di sản mà cả vùng đệm và rộng hơn trên toàn tỉnh Ninh Bình cần sớm thực hiện các dự án, nghiên cứu hệ thống hóa, đánh giá giá trị, lập dữ liệu hồ sơ các nhà ở truyền thống và làng truyền thống. Lồng ghép bảo tồn nhà cổ, làng cổ trong công tác quản lý di tích và quy hoạch bảo tồn vùng di sản. Vì vậy cần xây dựng quy chế quản lý kiến trúc nông thôn/quản lý kiến trúc cảnh quan cho các khu vực đặc thù trong các đồ án quy hoạch bảo tồn.
Xây dựng các sản phẩm du lịch có chất lượng và khác biệt từ giá trị những ngôi làng truyền thống. Tạo ra các thông điệp, thương hiệu và chiến dịch giúp phân biệt khu vực các làng cổ với các điểm đến khác của khu vực. Du lịch từ làng quê cũng là hướng du lịch xanh, bền vững.
Khẳng định, những giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc của các công trình nhà ở truyền thống trở thành tài nguyên quý báu để phát triển du lịch cộng đồng, các giá trị này sẽ góp phần tạo ra sự khác biệt để vùng đất Tràng An trở thành một làng quê di sản và cố đô trong lòng thành phố, PGS.TS. Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia Việt Nam đã đề xuất và kiến nghị với lãnh đạo tỉnh Ninh Bình, trong thời gian tới cần tập trung một số vấn đề sau:
Khôi phục và nâng cao chất lượng cuộc sống cho cư dân bản địa hiện đang sinh sống trong các ngôi nhà cổ, đồng thời tạo tiền đề thúc đẩy doanh thu thực tế từ phát triển du lịch; Tạo điều kiện cho cá nhân, hộ gia đình tham gia phát triển du lịch, tạo sinh kế cho người dân gắn với bảo vệ di sản bền vững, đặc biệt với vùng lõi di sản; Cần có cơ chế trong quản lý giữ gìn cấu trúc làng xóm hiện có, giữ gìn và tôn tạo các công trình kiến trúc có giá trị và hạ tầng kinh tế của làng xã, phục hồi các công trình công cộng dân gian truyền thống; Đề xuất nghiên cứu các mẫu nhà mô phỏng hình thức truyền thống, tuyên truyền cho người dân nhân rộng mô hình homestay, hài hòa với không gian làng xóm; Tạo cơ chế, quyền lợi trong hợp tác công – tư; nâng cao nhận thức cộng đồng trong công tác bảo tồn nhà cổ nói riêng và đề cao tham vấn cộng đồng trong bảo tồn di sản.
Từ góc độ khoa học, Hội thảo quốc tế “Nhận diện, bảo tồn và phát huy giá trị nhà ở truyền thống trong vùng Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An” đã thể hiện trách nhiệm của tỉnh Ninh Bình nói riêng và của Việt Nam nói chung với Di sản, thực hiện và tuân thủ các khuyến nghị của UNESCO, đó là: Xác định tầm nhìn quản lý của khu di sản hướng đến phát triển hài hòa, bền vững, cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế, bảo tồn các giá trị di sản, bảo vệ môi trường, phát triển du lịch bền vững và các dịch vụ hỗ trợ; Tiếp tục xây dựng và triển khai chương trình nghiên cứu về đặc điểm và giá trị di sản, các tác động tiềm năng lên các giá trị. Bên cạnh đó, chủ đề của Hội thảo đã đề cập đến vấn đề Nhà – Làng – Nước, vốn đã là căn cốt của văn hóa Việt Nam. Khởi nguồn từ “nếp nhà”, từ làng quê truyền thống làm tiền đề cho mục tiêu hướng tới sự phát triển bền vững có tính đương đại mà vẫn giữ bản sắc của vùng đất Cố đô.
Nguyễn Thơm – Anh Tuấn