Hội thảo “Phát triển các sản phẩm cho thị trường quà lưu niệm, quà tặng du lịch mang tính chuyên nghiệp, độc đáo, bản sắc địa phương miền Cố đô” tiếp tục phiên thảo luận thứ hai với chủ đề “Giải pháp nghiên cứu, thiết kế mẫu sản xuất, phát triển các sản phẩm quà tặng du lịch Ninh Bình và cơ chế, chính sách thúc đẩy”.
Các đồng chí: PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản; Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia; Trần Song Tùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh điều hành phiên thảo luận.
Dưới góc nhìn của doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường đã trao đổi về tiềm năng, thế mạnh của Ninh Bình về phát triển du lịch, nêu rõ những mặt hạn chế đối với việc phát triển các sản phẩm du lịch nói chung, sản phẩm lưu niệm du lịch nói riêng. Đồng thời, đại diện Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường cũng đề xuất tỉnh cần quan tâm hơn nữa ban hành các chính sách phát triển du lịch của tỉnh; quy hoạch địa điểm trưng bày, bán các sản phẩm du lịch, quà lưu niệm; thúc đẩy các tổ chức, cá nhân sáng tạo trong sản phẩm quà lưu niệm… Đây là hợp phần quan trọng trong phát triển du lịch tiến tới xây dựng Đô thị di sản thiên niên kỷ.
Về phía doanh nghiệp sẽ tiến hành một số hạng mục như: phục dựng mô hình làng cổ, tạo dựng con đường thời tiền sử. Tuy nhiên, việc đầu tư cần phải có thời gian, cần có sự huy động nguồn vốn kết hợp giữa Trung ương, địa phương và doanh nghiệp nhằm khai thác tối đa các giá trị văn hóa, lịch sử.
Bà Tạ Thị Tú Uyên, Giám đốc Ban sản phẩm dịch vụ Vietravel Group là đơn vị lữ hành hơn 20 năm cũng chia sẻ một số mong muốn: Quà lưu niệm, quà tặng du lịch phải có sự độc đáo, phản ánh được tính đặc hữu, riêng có của sản phẩm so với các sản phẩm cùng loại và có tính lịch sử, văn hóa địa phương, có môi trường, không gian diễn xướng, tái hiện quy trình sản phẩm. Bên cạnh đó, địa phương cũng cần hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân xây dựng hệ thống chứng nhận hợp quy và tiến hành rà soát một cách toàn diện về hiện trạng đơn vị cung cấp cũng như nhu cầu của thị trường để đưa ra các chính sách, kế hoạch phát triển phù hợp trong từng giai đoạn.
Đề xuất phát triển các sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm du lịch từ các di tích, di vật thời tiền sử và lịch sử của Tràng An, PGS.TS. Nguyễn Khắc Sử, Viện Khảo cổ học Việt Nam cho rằng cần phải hiểu về khái niệm quà lưu niệm di sản là những chế phẩm do con người tạo ra dựa vào đặc thù riêng có, nổi bật của di sản văn hóa, nhằm làm quà tặng, quà lưu niệm cho du khách, sản phẩm giúp du khách có thể sở hữu, trải nghiệm hoặc gợi lại một giai đoạn lịch sử của tự nhiên (đối với di sản thiên nhiên) và xã hội (đối với di sản lịch sử – văn hóa – khảo cổ) ở một khu di sản nhất định. Quà lưu niệm di sản có ý nghĩa quan trọng góp phần quảng bá, lan tỏa, bảo tồn và phát huy giá trị di sản; nâng cao lòng tự hào và ý thức bảo tồn di sản của cộng đồng địa phương.
PGS.TS. Nguyễn Khắc Sử cũng đề xuất ý tưởng thiết kế “quà lưu niệm di sản” ở Tràng An từ di vật thời tiền sử: đồ trang sức bằng vỏ ốc biển; đồ trang sức từ Ốc Tiền; chân dung người tiền sử Tràng An; đồ gốm tiền sử, chùa Nhất Trụ; cột Kinh Phật nhà Đinh; đồng tiền nhà Đinh thế kỷ X…
Với nội dung gắn kết cộng đồng với di sản thế giới Quần thể danh thắng Tràng An thông qua việc phát huy thương hiệu di sản cho giá trị sản phẩm, dịch vụ địa phương, bà Phạm Thị Thanh Hường, Trưởng ban Văn hóa, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội cho rằng: Các hoạt động xây dựng và quảng bá thương hiệu của tỉnh Ninh Bình có thể tập trung vào ba ưu tiên sau: Thứ nhất, hoàn thiện chiến lược marketing thương hiệu địa phương của tỉnh gắn với Khu di sản nhằm xác định rõ sản phẩm du lịch đặc thù để tập trung nguồn lực phát triển.
Thứ hai, xây dựng và phát triển các sản phẩm quà tặng mang tính đặc trưng và hướng tới các giá trị bền vững thông qua việc xây dựng bộ nhãn dán sinh thái.
Thứ ba, với nhiều loài động vật quý hiếm và đặc hữu chỉ riêng có tại Ninh Bình, các bên liên quan có thể cân nhắc nhiều lựa chọn trong việc phát triển hình ảnh biểu tượng có tính sáng tạo và hướng tới giới trẻ.
Tại Hội thảo, TS. Trương Sỹ Vinh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch đã đưa ra một số khuyến nghị nhằm phát triển các sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm du lịch mang tính chuyên nghiệp, độc đáo, đó là cần tạo ra môi trường thông thoáng nhằm thúc đẩy doanh nghiệp kinh doanh quà tặng, quà lưu niệm, đảm bảo chất lượng và an toàn cho sản phẩm; xây dựng, hoàn thiện các sản phẩm OCOP gắn với mục đích phát triển du lịch.
Cùng với đó, cần có các chính sách, giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy các chủ thể sản xuất phát triển sản phẩm, tổ chức sản xuất gắn với quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng tại các điểm đến du lịch; cần có sự đầu tư cho các chiến lược phát triển sản phẩm đi đôi với chiến lược marketing; xây dựng liên kết, kết nối phát triển kênh phân phối các sản phẩm đặc sản, quà tặng du lịch và các sản phẩm OCOP gắn với các đơn vị kinh doanh du lịch.
Nguyễn Thơm – Minh Hải – Anh Tuấn
⇒ Hội thảo phát triển các sản phẩm cho thị trường quà tặng, quà lưu niệm du lịch mang tính chuyên nghiệp, độc đáo, bản sắc địa phương miền Cố đô
⇒ Hội thảo phiên thứ nhất: Đánh giá thực trạng thị trường sản phẩm quà lưu niệm, quà tặng du lịch của Ninh Bình