Ngày 29/9, tỉnh Ninh Bình phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội thảo Khoa học-Thực tiễn “Khởi tạo và thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hội nhập quốc tế tại Ninh Bình – Vấn đề và giải pháp”.
Các đồng chí: Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Hoàng Minh, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự và chủ trì hội thảo.
Cùng dự và tham gia tham luận tại hội thảo có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo các cục, vụ, viện của các bộ, ngành; các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà kinh tế, nhà đầu tư, nhà khoa học; lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố; các doanh nghiệp tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.
Đến thời điểm này, Ninh Bình là địa phương duy nhất của Việt Nam và Đông Nam Á sở hữu Di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên thế giới, Quần thể danh thắng Tràng An. Ngay sau khi tái lập tỉnh, Ninh Bình đã nhanh chóng chuyển đổi phương thức phát triển từ Nâu sang Xanh. Trải qua hơn 3 thập niên, tỉnh Ninh Bình đã có những bước phát triển mạnh mẽ, hầu hết các chỉ tiêu cơ bản về kinh tế – xã hội của tỉnh luôn nằm trong nhóm cao và khá của cả nước.
Năm 2024, lần đầu tiên Bộ Khoa học và Công nghệ công bố chỉ số đổi mới sáng tạo các tỉnh, thành phố, tỉnh Ninh Bình xếp thứ 16/63 toàn quốc. Từ năm 2022, tỉnh Ninh Bình thực hiện tự chủ về ngân sách, từ một tỉnh thuần nông, đến nay, công nghiệp và dịch vụ đã chiếm tỉ trọng hơn 90% trong cơ cấu kinh tế. Ninh Bình tiếp tục khẳng định là một trung tâm cơ khí ô tô, trung tâm chế biến rau quả, nước giải khát; cơ cấu lại ngành vật liệu xây dựng theo hướng ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ để sản xuất vật liệu xanh, tiên tiến, kinh tế tuần hoàn; tích cực thúc đẩy chuyển đổi năng lượng, thu hút đầu tư các dự án năng lượng xanh, phát triển công nghiệp môi trường. Khu vực dịch vụ của tỉnh phát triển mạnh mẽ, với du lịch trở thành điểm sáng, điểm đến an toàn và hấp dẫn của du khách, đang dần trở thành trung tâm du lịch của quốc gia và quốc tế.
Tại Ninh Bình bước đầu định hình một số thành tố cấu thành trung tâm đổi mới sáng tạo ngoài trời với tổ hợp các công viên di sản, công viên văn hóa, công viên động vật hoang dã, công viên đất ngập nước, các khu vực dịch vụ kinh tế ban đêm, show diễn thực cảnh, phim trường cảnh quan để quay nhiều bộ phim nổi tiếng, nhất là phim Kong Skull Island. Đã định hình rõ chiến lược thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp – dịch vụ mới nổi dựa vào ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Cùng với đó là đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, phát thải các-bon thấp, thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo những sản phẩm nông nghiệp đa giá trị, tích hợp di sản cảnh quan nông nghiệp vào xây dựng đô thị di sản thiên niên kỷ, thực hiện hòa hợp nông thôn – đô thị.
Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Quán triệt chủ trương của Đảng về phát triển khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo, coi đó là một trong những đột phá chiến lược của đất nước trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, tỉnh Ninh Bình từng bước tiến hành cơ cấu lại các ngành kinh tế truyền thống dựa vào ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Cùng với đó là khởi tạo các ngành kinh tế mới nổi dựa trên thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo – giải pháp đột phá để xây dựng Ninh Bình trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo của vùng, gồm cả trung tâm đổi mới sáng tạo trong nhà và trung tâm đổi mới sáng tạo ngoài trời, trên cơ sở tận dụng, nắm bắt, thương mại hóa, doanh nghiệp hóa các phát minh sáng chế, các ý tưởng đổi mới sáng tạo, từng bước đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế của địa phương.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh chỉ rõ: Dựa vào tiềm năng, lợi thế sẵn có của một địa phương sở hữu giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới – Quần thể danh thắng Tràng An, giá trị đặc biệt của Cố đô Hoa Lư với di sản đồ sộ, dày đặc, phong phú; có hơn 40% diện tích đất đai là rừng quốc gia, dự trữ sinh quyển, đất lâm viên, đất ngập nước; có tiền đề của hơn 2 thập niên chuyển đổi phương thức sản xuất từ nâu sang xanh, Ninh Bình có điều kiện thuận lợi cho đẩy nhanh xây dựng thành một trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ngoài trời và từng bước khởi tạo một trung tâm khởi nghiệp sáng tạo trong nhà.
Đặc biệt, Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xác định rõ mục tiêu: Tỉnh Ninh Bình đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo, lấy du lịch, công nghiệp văn hóa làm mũi nhọn, công nghiệp cơ khí giao thông làm động lực, các ngành công nghiệp và dịch vụ mới nổi gắn với khởi nghiệp đổi mới sáng tạo làm đột phá, nông nghiệp sinh thái đa giá trị làm trụ đỡ.
Đây chính là cơ sở pháp lý, tiền đề kinh tế – xã hội, lợi thế cạnh tranh của điều kiện tự nhiên, giá trị văn hóa – lịch sử để khởi tạo và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hội nhập quốc tế tại tỉnh Ninh Bình, tiếp tục từng bước định hình một mô hình phát triển xanh, thông minh, tuần hoàn, hài hòa, bền vững, thuận thiên, bắt nhịp với xu thế phát triển của nền văn minh nhân loại, lựa chọn con đường khác biệt khi cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, hội nhập vào mạng lưới đô thị di sản, các trung tâm công nghiệp văn hóa, chuỗi giá trị các ngành công nghiệp và dịch vụ mới nổi dựa trên năng lực đổi mới sáng tạo của khu vực và trên thế giới.
Tuy vậy, đến nay ngưỡng phát triển của tỉnh Ninh Bình đòi hỏi phải có đột phá về tư duy, tầm nhìn, động lực phát triển dựa trên ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, trọng tâm là thương mại hóa, doanh nghiệp hóa các thành tựu khoa học, công nghệ, các ý tưởng đổi mới sáng tạo gắn với khởi tạo đồng bộ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, lấy xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo trong nhà làm hạt nhân, lấy phát triển trung tâm đổi mới sáng tạo ngoài trời làm động lực.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, hội thảo nhằm tham vấn ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, nhà đầu tư để thực hiện các mục tiêu đã xác định rõ trong Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó tập trung vào 4 nội dung:
Thứ nhất: Nhận thức chung về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gắn với khởi tạo và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hội nhập quốc tế tại Ninh Bình.
Thứ hai: Phân tích các điều kiện, tiền đề, nhân tố tác động, cơ hội, thách thức, các yếu tố cấu thành của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Ninh Bình phải khởi tạo, nuôi dưỡng, ươm mầm; đầu tư cho các startup, thương mại hóa, doanh nghiệp hóa các thành tựu khoa học, công nghệ và ý tưởng đổi mới sáng tạo.
Thứ ba: Định dạng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo một số lĩnh vực có tính sẵn sàng cao khi thu hút đầu tư vào Ninh Bình, nhất là khởi nghiệp sáng tạo gắn với phát triển các ngành công nghiệp văn hóa – giải trí dựa trên công viên hóa di sản, công nghiệp hóa ngành nghề truyền thống; cơ cấu lại các hoạt động nghệ thuật biểu diễn, tổ chức sự kiện, thiết kế sáng tạo theo định hướng công nghiệp sáng tạo; thương mại hóa, doanh nghiệp hóa các ý tưởng, phát minh, sáng chế đối với các ngành công nghiệp – dịch vụ mới nổi dựa trên chuyển đổi số, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, vật liệu tiên tiến, năng lượng xanh, công nghệ sinh học, công nghệ mô phỏng thiên nhiên, dịch vụ “xanh”, kể cả lĩnh vực công nghệ lượng tử được dự báo nhiều tiềm năng trong thập niên tới…
Thứ tư: Hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù khởi tạo và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại tỉnh Ninh Bình, nhất là xây dựng kết cấu hạ tầng, các chính sách về thuế, đầu tư mạo hiểm, đất đai, đối tác công tư, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, ý tưởng sáng tạo, nhượng quyền, định giá thương hiệu… gắn với yêu cầu hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả.
Đồng chí mong muốn, hội thảo cũng là thông điệp mạnh mẽ gửi đến các nhà đầu tư về mức độ sẵn sàng của tỉnh Ninh Bình để mời gọi, thu hút các nhà đầu tư chiến lược về phát triển các ngành kinh tế mới nổi dựa trên động lực đổi mới sáng tạo và thương mại hóa các thành tựu khoa học, công nghệ.
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Hoàng Minh, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: Bộ Khoa học và Công nghệ trân trọng và ghi nhận các nỗ lực của tỉnh Ninh Bình trong hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo và phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Với sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo tỉnh, sự cố gắng của các cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tin tưởng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Ninh Bình sẽ tiếp tục phát triển, trở thành trung tâm kết nối doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo với các đối tác quốc tế, giúp Ninh Bình khai thác tối đa lợi thế du lịch, công nghiệp văn hóa và kinh tế di sản.
Đồng chí Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ mong muốn, qua các hoạt động này, chuỗi hoạt động phát triển hệ sinh thái, liên kết địa phương, vùng sẽ được tiếp tục được mở rộng và phát triển, kết nối giữa các thành phần trong hệ sinh thái ngày càng chặt chẽ hơn nữa. Đồng thời, thông qua diễn đàn này kỳ vọng các chuyên gia, nhà đầu tư, cơ quan quản lý sẽ thực sự sẻ chia, thu được những kiến nghị, nhu cầu, mong muốn thực tiễn từ cộng đồng, từ đó cùng có những giải pháp thiết thực để “khai mở, kiến tạo” những tiềm năng khởi nghiệp sáng tạo cả nước nói chung, tỉnh Ninh Bình nói riêng.
Hội thảo đã diễn ra 2 phiên thảo luận chuyên đề, phiên trao đổi thảo luận bàn tròn và chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn. Nội dung thảo luận mời độc giả theo dõi tại đây:
https://baoninhbinh.org.vn/chuyen-de-cac-noi-dung-ve-xay-dung-quan-tri-van-hanh-trung/d2024092911531572.htm
https://baoninhbinh.org.vn/goi-mo-con-duong-huong-di-de-xay-dung-thuc-day-phat-trien-he/d20240929135049572.htm
https://baoninhbinh.org.vn/thao-luan-cac-noi-dung-chuyen-sau-ve-khoi-nghiep-sang-tao/d20240929165447776.htm
https://baoninhbinh.org.vn/phac-hoa-buc-tranh-tong-the-ve-trung-tam-doi-moi-sang-tao/d20240929172251825.htm
* Sau một ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Hội thảo khoa học-Thực tiễn “Khởi tạo và thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hội nhập quốc tế tại Ninh Bình – Vấn đề và giải pháp” đã hoàn thành nội dung, chương trình và mục tiêu đề ra.
Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được gần 50 bài tham luận, ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, nhà đầu tư. Các tham luận có chất lượng, chiều sâu với nhiều cách nhìn, cách tiếp cận nghiêu cứu đa ngành. Các ý kiến trao đổi đã làm rõ kinh nghiệm về phát triển kinh tế sáng tạo, kinh tế số và hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hội nhập quốc tế. Phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức cho tỉnh Ninh Bình đẩy mạnh chuyển đổi số gắn với xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hội nhập quốc tế, cũng như phân tích nguồn nhân lực của tỉnh Ninh Bình đáp ứng yêu cầu đổi mới.
Hội thảo đã nghe các báo cáo, các chuyên đề khoa học nghiên cứu chuyên sâu về phát triển ngành, lĩnh vực tiềm năng, lợi thế của tỉnh Ninh Bình. Từ phân tích mô hình trung tâm đổi mới sáng tạo của Israel, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ,… cũng như qua đánh giá sơ bộ mô hình hoạt động của Hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tại một số địa phương hiện nay, các nhà khoa học, các chuyên gia gợi mở để Ninh Bình có thể rút ra một số giá trị tham khảo trong việc Khởi tạo và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hội nhập quốc tế tại Ninh Bình.
Đối với Ninh Bình, khi nguồn lực của tỉnh hạn chế và phải cạnh tranh với các trung tâm khởi nghiệp lớn trong khu vực như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng thì việc xem xét, lựa chọn dự án, doanh nghiệp trong các lĩnh vực thế mạnh của tỉnh để hỗ trợ cũng là một cách đầu tư hiệu quả như nông nghiệp công nghệ cao, du lịch xanh, logistics… Lựa chọn hỗ trợ thúc đẩy hạt nhân doanh nghiệp khởi nghiệp tại địa phương, lồng ghép triệt để khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các chương trình như OCOP, nông thôn mới, kiến tạo doanh nghiệp của các sở, ban, ngành.
Phát biểu tổng kết hội thảo, đồng chí Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy ghi nhận, đánh giá cao những ý kiến đóng góp, tham luận của các chuyên gia, nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp đã cùng chia sẻ tri thức, kinh nghiệm, trải nghiệm trong lĩnh vực khởi nghiệp sáng tạo để từ đó thấu cảm, truyền lửa đam mê, thẩm thấu, bắt tay nhau cùng hành động.
Đồng chí nhấn mạnh, thực tế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo là một vấn đề mới, khó không chỉ đặt ra với một địa phương mà còn mang tính quốc gia, quốc tế và cả nhân loại. Thực chất đổi mới sáng tạo chính là việc tái cấu trúc của cả nền kinh tế, từ các ý tưởng sáng tạo, văn minh, sáng chế, các tri thức được thương mại hóa sẽ tạo ra vật chất, tạo ra giá trị gia tăng của doanh nghiệp, của quốc gia dân tộc, xu hướng này nếu không bắt nhịp thì sẽ tụt hậu. Trên thực tế, Ninh Bình đã và đang lựa chọn con đường đổi mới sáng tạo dựa trên tiềm năng, thế mạnh và nền tảng giá trị di sản, sinh thái, nghệ thuật, tri thức…
Đồng chí nhấn mạnh, đây không phải là hội thảo mang tính hàn lâm mà đầy tính thực tiễn. Các vấn đề đại biểu nêu ra đã đề cập tới những khía cạnh mới, khó của cả nước, cả nhân loại trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, thông qua đó tái cấu trúc nền kinh tế, trên cơ sở thương mại hóa, doanh nghiệp hóa các ý tưởng, tạo ra của cải vật chất cho xã hội. Hàm ý của hội thảo còn truyền đạt thông điệp thu hút đầu tư, mời gọi các nhà đầu tư chiến lược về phát triển các ngành kinh tế mới nổi dựa trên động lực đổi mới sáng tạo và thương mại hóa các thành tựu khoa học, công nghệ.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, đổi mới sáng tạo là việc của toàn dân, trên tất cả các lĩnh vực nhưng phải xác định được lực lượng nòng cốt, trung tâm là doanh nghiệp, xoay quanh đó là trí thức, văn nghệ sỹ, dựa trên lợi thế cạnh tranh của tỉnh. Tuy nhiên, để thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp không phải là câu chuyện của một địa phương giải quyết mà cần có cơ chế vĩ mô từ Trung ương. Song song với đó, Ninh Bình cần đề xuất với Bộ Khoa học và Công nghệ, xây dựng Ninh Bình trở thành một trung tâm công nghiệp văn hóa của thế giới, trung tâm công nghiệp cơ khí ô tô, trung tâm của các ngành kinh tế mới nổi dựa trên đổi mới sáng tạo, thúc đẩy Ninh Bình thành một khu vực tự do thương mại trong thời kỳ mới. Quyết tâm này của Ninh Bình cần được thể chế hóa, cụ thể hóa bằng một Nghị quyết riêng về phát triển ngành công nghiệp văn hóa giải trí gắn với đổi mới sáng tạo theo định hướng năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ.
Song Nguyễn-Anh Tuấn
Nguồn: https://baoninhbinh.org.vn/hoi-thao-khoa-hoc-thuc-tien-khoi-tao-va-thuc-day-phat-trien/d20240929100046189.htm