Điều hành hội thảo có các đồng chí: PGS.TS. Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; TS. Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; PGS, TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam; GS,TSKH. Vũ Minh Giang, nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội.
Phát biểu tham luận trung tâm với chủ đề “Định dạng bản sắc Ninh Bình gắn với xây dựng thương hiệu địa phương” tại phiên thảo luận thứ nhất, TS Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Xây dựng và phát triển thương hiệu địa phương là xây dựng và phát triển một bản sắc riêng cho địa phương; không chỉ đơn giản là một chiến lược truyền thông, một khẩu hiệu, một vài hình ảnh hoặc một biểu tượng (logo) cho địa phương bao gồm nhiều, rất nhiều điều hơn thế, đó là giá trị vô hình mang nhận thức tích cực về một địa phương. Đó là một quá trình mang tính chiến lược để phát triển một tầm nhìn dài hạn cho một địa phương, với mục tiêu gắn kết và hấp dẫn các đối tượng liên quan góp phần chi phối và định hình nhận thức tích cực về một địa phương.
Thương hiệu địa phương có giá trị, mang lại nhiều lợi ích, không chỉ cho địa phương và công dân địa phương đó, mà còn cho tất cả các bên liên quan. Vì vậy, chính quyền địa phương, tổ chức và người dân cần nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu điểm đến, khai thác điểm mạnh và có những chiến lược phát triển thích hợp nhằm nâng cao vị thế của địa phương trong lòng công chúng trong và ngoài nước. Do vậy, xây dựng và phát triển thương hiệu địa phương là xu thế tất yếu và một quá trình lâu dài, bền bỉ, nhất quán và đòi hỏi nhận thức cao nhất của chính quyền địa phương, cùng sự quan tâm, đồng hành của nhiều bên đối tác liên quan.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng nêu rõ những lợi thế, tiềm năng và định hướng phát triển của tỉnh Ninh Bình. Theo đó, Ninh Bình có vị trí địa lý quan trọng, chiến lược, lợi thế cạnh tranh riêng có; là “cửa ngõ” phía Nam khu vực miền Bắc, cũng là “cửa ngõ phía Nam của nền văn minh sông Hồng”; thuộc hành lang kinh tế quốc gia Bắc – Nam; hành lang kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ từ Móng Cái (Quảng Ninh) đến Kim Sơn (Ninh Bình); điểm kết nối, giao thoa, chuyển tiếp của 3 vùng kinh tế: Vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, Vùng rừng núi Tây Bắc và Vùng duyên hải Bắc Trung Bộ.
Hơn 30 ngàn năm trước, Ninh Bình là nơi được người tiền sử chọn làm địa bàn tụ cư, sinh sống. Thế kỷ 10, Hoa Lư được chọn làm quốc đô của Nhà nước Đại Cồ Việt – Nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên trong lịch sử dân tộc. Cùng với những giá trị văn hóa, lịch sử, cư dân Ninh Bình qua nhiều thế hệ đã sáng tạo, lưu truyền, lan tỏa nhiều giá trị văn hóa đặc sắc, tạo nên cốt cách riêng của con người vùng đất Cố đô Hoa Lư “thân thiện, hiền hòa, thanh lịch, mến khách” vừa mang đầy đủ đặc trưng của con người Việt Nam được xác định trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, đó là “yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo”; hướng tới chuẩn mực con người văn minh, hiện đại, trí tuệ, bản lĩnh, tự tin, đột phá, dám nghĩ, dám làm, có ý chí vươn lên mạnh mẽ thích ứng nhanh với điều kiện hội nhập quốc tế hiện nay.
Qua hơn 30 năm tái lập tỉnh, Đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân tỉnh Ninh Bình, với ý chí và khát vọng vươn lên, đã luôn đoàn kết, chủ động, sáng tạo, phát huy tiềm năng, lợi thế, vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Kinh tế liên tục duy trì được tốc độ tăng trưởng tương đối cao qua các thời kỳ, giai đoạn 2016-2020 đạt gần 8,9%/năm; giai đoạn 2020-2022, mặc dù chịu tác động nặng nề của dịch COVID-19, nhưng Ninh Bình vẫn thuộc nhóm các tỉnh đạt tăng trưởng dương; Năm 2022 đã trở thành tỉnh tự cân đối ngân sách với số thu đạt trên 24.301 tỷ đồng, gấp gần 611 lần so với năm 1992; 6 tháng đầu năm 2023, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 7,56%, đứng thứ 12 toàn quốc và đứng thứ 6 vùng đồng bằng sông Hồng.
Định hướng phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh trong thời gian tới được xác định là “Phát triển nhanh và bền vững, phát triển kinh tế đi đôi với công bằng và tiến bộ xã hội; trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng nổi trội, giá trị độc đáo và lợi thế riêng có của địa phương, cốt lõi là lấy bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa – lịch sử, cảnh quan thiên nhiên cùng truyền thống tốt đẹp của con người, vùng đất Cố đô Hoa Lư làm nguồn lực và động lực phát triển”.
Trên cơ sở những giá trị nổi bật riêng có về địa lý, sinh thái tự nhiên, truyền thống và kết quả thực tiễn phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh trong thời gian vừa qua; trong thời gian tới, Ninh Bình cần phải làm gì và làm như thế nào để hiện thực hóa khát vọng phát triển? Đây là câu hỏi lớn, là tâm tư suy nghĩ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Bình. Vì vậy, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã gợi mở và đưa ra một số nội dung để các Bộ, ngành Trung ương, các nhà quản lý, nhà khoa học, học giả trong và ngoài nước, cùng các doanh nghiệp và toàn thể đại biểu cùng thảo luận, thống nhất và đề xuất các giải pháp, cơ chế chính sách đặc thù, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững của tỉnh Ninh Bình trong bối cảnh mới, bao gồm 5 vấn đề: Thứ nhất, cần xác định rõ vấn đề và đổi mới cách tư duy về bảo tồn và phát triển di sản địa phương. Thứ hai, xây dựng Chiến lược quảng bá (marketing) địa phương gắn với định vị mới về Ninh Bình; Thứ ba, xây dựng đô thị di sản gắn với đô thị 4.0; Thứ tư, xây dựng Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa; Thứ năm, đổi mới phương thức huy động và phân bổ nguồn lực.
Sau bài phát biểu thảo luận trung tâm của đồng chí Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh, các nhà khoa học đã tham luận với các nội dung: Góp phần định vị bản sắc văn hóa Ninh Bình từ phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể gắn với phát triển bên vững của Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia; Giá trị các địa danh, danh nhân lịch sử, lễ hội trong xây dựng thương hiệu địa phương tỉnh Ninh Bình, nguyên Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội; Mô hình giá trị bản sắc cho thương hiệu tỉnh Ninh Bình, của Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh; Giá trị danh hiệu UNESCO trong xây dựng thương hiệu Ninh Bình của Phó vụ trưởng Vụ ngoại giao Văn hóa và UNESCO, Bộ Ngoại giao, Phó tổng thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam.
Nguyễn Lựu – Nguyễn Thơm
* Khai mạc Hội thảo “Định dạng bản sắc Ninh Bình gắn với xây dựng thương hiệu địa phương”
* Báo cáo trung tâm “Định dạng bản sắc Ninh Bình gắn với xây dựng thương hiệu địa phương” do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh trình bày