Chiều 25/8, Hội thảo tiếp tục phiên thứ ba: Báo cáo những khía cạnh chuyên biệt. Đồng chí Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh điều hành hội thảo.
Ở phiên này, các nhà khoa học, doanh nghiệp đã tập trung trao đổi, thảo luận về các nội dung như: Chiến lược phát triển thương hiệu tỉnh Ninh Bình và định hướng giải pháp thực hiện; Xây dựng các thương hiệu du lịch mang đẳng cấp quốc tế Ninh Bình; Triết lý phát triển, Slogan và các biểu tượng gắn với thúc đẩy chiến lược truyền thông trong xây dựng thương hiệu, hàm ý chính sách; Xây dựng thương hiệu ngành công nghiệp ô tô tỉnh Ninh Bình, kinh nghiệm của Tập đoàn Thành Công.
Tại phiên thảo luận, đồng chí Tống Quang Thìn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban tổ chức Hội thảo đã trao đổi về vấn đề: Thúc đẩy các thiết chế văn hóa hiện đại, đặc sắc, tạo điểm nhấn trong kiến trúc đô thị di sản gắn với xây dựng thương hiệu địa phương.
Trong đó nhấn mạnh, trong tổng thể các yếu tố hữu hình và vô hình tạo nên thương hiệu địa phương thì các công trình hay các thiết chế văn hóa hiện đại như: bảo tàng, thư viện, nhà văn hóa, phòng trưng bày, công viên văn hóa,….với kiến trúc đặc sắc mang dấu ấn văn hóa địa phương được xem là những yếu tố hữu hình có vai trò quan trọng trong việc tạo nên hình ảnh, sản phẩm văn hóa đặc trưng góp phần xây dựng thương hiệu địa phương.
Đồng chí đã chỉ rõ, thực tế, các công trình thiết chế, văn hóa đặc sắc ở trên thế giới cũng như Việt Nam không chỉ góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân, tạo dựng hình ảnh và vị thế của địa phương mà đó còn là thỏi nam châm hút khách du lịch, góp phần phát triển kinh tế.
Nhận thức rõ vai trò của các thiết chế văn hóa trong quá trình phát triển, xây dựng thương hiệu địa phương, thời gian qua, trong định hướng phát triển, Ninh Bình đã đề ra nhiệm vụ phải đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa hiện đại, đặc sắc tạo điểm nhấn về không gian đô thị và đáp ứng nhu cầu du khách.
Theo đó, tích cực đầu tư các công trình văn hóa lớn mang tầm vóc của địa phương như: Quảng trường Đinh Tiên Hoàng đế, Nhà văn hóa trung tâm; Tổ hợp Bảo tàng, Thư viện, Trung tâm triển lãm văn hóa nghệ thuật, hội chợ, tổ chức sự kiện,… Việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa thể hiện sự quan tâm tỉnh Ninh Bình đối với sự nghiệp phát triển văn hóa.
Thời gian tới, khi các công trình được đưa vào sử dụng sẽ tạo điểm nhấn cảnh quan, kiến trúc không gian đô thị nhằm thúc đẩy quảng bá hình ảnh và tạo sản phẩm du lịch văn hóa của tỉnh. Đồng thời, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, giá trị lịch sử, khoa học, nghệ thuật của địa phương, thu hút khách tham quan, du lịch góp phần xây dựng hình ảnh, thương hiệu địa phương và phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.
Phát biểu tổng kết sau phiên thảo luận, đồng chí Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định: Những trao đổi, thảo luận chuyên sâu của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các doanh nghiệp giúp Ninh Bình nhìn nhận và rút ra được nhiều vấn đề mấu chốt, quan trọng.
Đó là bài học về sự điều hành quyết liệt của chính quyền để kiến tạo động lực, không gian cho sự phát triển; vấn đề cân bằng giữa phát triển và bảo tồn di sản. Bên cạnh đó, là các giải pháp thỏa đáng để đảm bảo sinh kế cho cư dân trong vùng lõi di sản trong bối cảnh đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, cơ chế để di sản văn hóa trở thành động lực phát triển…
Từ bài học xây dựng thương hiệu của các tập đoàn, doanh nghiệp tiêu biểu trên địa bàn tỉnh, có thể rút ra được triết lý phát triển, Slogan, các biểu tượng gắn với thúc đẩy chiến lược truyền thông trong xây dựng, quản trị thương hiệu địa phương tỉnh Ninh Bình.
Để bảo tồn phát huy tốt các giá trị của di sản, Ninh Bình cần dựa trên nền tảng của 4 chủ thể: Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân cũng như trách nhiệm của du khách. Thực hiện phương châm: Biến di sản thành tài sản, biến văn hóa thành hàng hóa, biến tài nguyên thành tài chính, biến nguồn lực thành động lực, biến giá trị thành giá cả.
Song Nguyễn