Dự Hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; lãnh đạo Tạp chí Cộng sản, lãnh đạo tỉnh Ninh Bình; các cơ quan, doanh nghiệp và 60 chuyên gia, nhà khoa học.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Thanh Bình, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam đã thông tin: Hiện nay, già hóa dân số là một trong những xu hướng quan trọng nhất của thế kỷ 21; già hóa là thành tựu của quá trình phát triển, vừa tạo ra cơ hội mới nhưng cũng đặt ra thách thức về kinh tế, xã hội và văn hóa, lối sống cho mỗi cá nhân, gia đình, xã hội.
Việt Nam là quốc gia có xu hướng già hóa rất nhanh. Theo cơ sở dữ liệu của Bộ Công an, đến tháng 3/2023,cả nước có gần 17 triệu người cao tuổi. Nhận thức được xu hướng già hóa dân số là tất yếu, từ nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã luôn quan tâm xây dựng các chủ trương, đường lối, chính sách, đặc biệt là hệ thống trợ giúp xã hội nhằm ứng phó với xu hướng này.
Trong bối cảnh già hóa dân số nhanh cùng với tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, việc tổ chức Hội thảo khoa học “Già hóa dân số Việt Nam – Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách” là rất cần thiết nhằm kết tinh trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm của các chuyên gia, cán bộ lãnh đạo, quản lý quan tâm tới việc đảm bảo an sinh xã hội, trong đó có bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi Việt Nam.
Phát biểu chào mừng tại Hội thảo, đồng chí Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình đã thông tin khái quát về lịch sử, vị trí địa lý và tình hình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Ninh Bình; một số kết quả nổi bật, toàn diện mà Ninh Bình đã đạt được trong lộ trình thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Quyết tâm phấn đấu xây dựng và phát triển tỉnh Ninh Bình đến năm 2030 cơ bản đạt các tiêu chí và đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo…
Trong lộ trình phát triển ấy, tỉnh Ninh Bình luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến người cao tuổi. Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 182 nghìn người cao tuổi, chiếm 16,2% dân số. Chỉ số già hóa của tỉnh Ninh Bình có xu hướng tăng nhanh: năm 2019 là 60,28%, tăng 10,52% so với năm 2009, cao hơn toàn quốc là 11,48 điểm phần trăm và cao hơn vùng đồng bằng sông Hồng 2,88 điểm phần trăm.
Trước xu hướng già hóa dân số, tỉnh Ninh Bình xác định rõ vai trò, tầm quan trọng và thực hiện các giải pháp để chủ động thích ứng với già hóa dân số; đã ban hành nhiều chính sách và thực hiện hiệu quả hỗ trợ hoạt động đối với tổ chức của người cao tuổi; người cao tuổi trên địa bàn tỉnh được chăm sóc ngày càng tốt hơn, đời sống vật chất, tinh thần ngày càng được cải thiện, tiếp tục đóng góp quan trọng cho phát triển của tỉnh.
Trong tháng 4/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ cho chủ trương thành lập Hội Người cao tuổi cấp tỉnh và cấp huyện, để thực hiện tốt hơn vai trò đại diện cho quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người cao tuổi.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình cũng khẳng định, Hội thảo được tổ chức cho thấy tinh thần đổi mới, nhạy bén, bám sát yêu cầu thực tiễn của Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, Tạp chí Cộng sản trong giai đoạn mới khi đề cập đến những vấn đề thời sự trước xu hướng già hóa dân số của đất nước.
Hội thảo diễn ra tại địa phương cũng là cơ hội để tỉnh Ninh Bình nhận thức sâu sắc, toàn diện những vấn đề đặt ra đối với xu hướng già hóa dân số và những giải pháp toàn diện hơn để vừa giải quyết các vấn đề hiện tại do tác động của già hóa dân số tới xã hội, vừa phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Từ đó giúp tỉnh Ninh Bình đạt được những tiến bộ và kết quả tích cực trong việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, chủ động thích ứng với già hóa dân số.
Tiếp đó, Hội thảo đã nghe báo cáo đề dẫn do PGS, TS Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản trình bày.
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đã đánh giá cao sáng kiến của Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, Tỉnh ủy Ninh Bình và Tạp chí Cộng sản trong việc phối hợp tổ chức Hội thảo.
Đây là hoạt động khoa học thiết thực, đề cập đến vấn đề mang tính thời sự của đất nước, góp phần phục vụ xây dựng Chiến lược Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam, sửa đổi Luật Người cao tuổi, tổng kết 30 năm thực hiện Chỉ thị số 59-CT/TW “Về chăm sóc người cao tuổi”, triển khai Kết luận số 58-KL/TW của Ban Bí thư “về tổ chức và hoạt động của Hội Người cao tuổi Việt Nam”, tổng kết quá trình 30 năm xây dựng và phát triển của Hội Người cao tuổi Việt Nam. Đặc biệt đóng góp vào việc tổng kết 40 năm thực hiện đường lối đổi mới đất nước và cung cấp luận cứ tham gia xây dựng dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Để nâng cao chất lượng và tính thiết thực của Hội thảo, Giám đốc Học viện Chính trị Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng cũng đã nhấn mạnh và gợi mở một số điểm cần tập trung thảo luận, thống nhất. Đồng thời, đề nghị các tổ chức, chuyên gia quốc tế chia sẻ những kinh nghiệm hay, cách làm tốt; những khuyến nghị chính sách về thích ứng với xu hướng già hóa dân số để Việt Nam tham khảo, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, tiềm năng và lợi thế của đất nước; các kinh nghiệm về chính sách thúc đẩy tỷ lệ sinh ổn định, đổi mới giáo dục, cải cách lương hưu, xây dựng hệ thống an sinh xã hội, chăm sóc, bảo trợ người cao tuổi, đầu tư cho hệ thống y tế, cơ sở hạ tầng phù hợp, phát triển các lĩnh vực công nghiệp chăm sóc sức khỏe…, để biến những thách thức của xu hướng già hóa dân số thành những cơ hội phát triển mới, góp phần xây dựng một nền kinh tế nhân văn, vì con người.
Các tham luận tại Hội thảo đã cung cấp các góc nhìn đa chiều, đề cập tới những vấn đề cốt lõi liên quan tới cơ chế, chính sách phù hợp ở nước ta. Tập trung vào một số nội dung: Phát huy vai trò của người cao tuổi trong hoạt động khoa học, chủ động thích ứng với già hóa dân số; phát huy và trọng dụng trí thức cao tuổi trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước; thực trạng, cơ hội, thách thức và giải pháp chính sách về già hóa dân số tại Việt Nam; mô hình xã hội hóa trong xây dựng cơ sở dưỡng lão, góp phần đáp ứng nhu cầu chăm sóc người già thích ứng với già hóa dân số nhanh; xu hướng già hóa dân số, đặc điểm người cao tuổi ở Việt Nam và khuyến nghị chính sách…
Tại Hội thảo, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã trình bày tham luận: Phát triển Ninh Bình trở thành điểm đến du lịch, nghỉ dưỡng hấp dẫn cho người cao tuổi.
Các ý kiến đóng góp tại Hội thảo là những luận cứ khoa học-thực tiễn rất ý nghĩa. Trên cơ sở đó giúp Ban Tổ chức Hội thảo chắt lọc, đề xuất, kiến nghị với Đảng, Nhà nước ban hành cơ chế, hoạch định chính sách phù hợp trong thời kỳ mới, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và quản lý phát triển xã hội bền vững.
Đào Hằng-Hồng Vân-Minh Quang