Chiều 30/8, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về xây dựng Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Đồng chí Nguyễn Cao Sơn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình.
Luật Đất đai năm 2024 và các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật đã bổ sung nhiều quy định yêu cầu các tổ chức, cá nhân thực hiện để quản lý, sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả; một số hành vi vi phạm, hình thức, mức xử phạt đã không còn phù hợp, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình thực tế, bảo đảm tính khả thi.
Đối với quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định trong việc ngăn chặn các hành vi vi phạm song vẫn còn tồn tại một số bất cập như: mức xử phạt còn nhẹ, chưa bảo đảm tính răn đe; do lịch sử quá trình quản lý, sử dụng đất đai phức tạp, nhiều hành vi vi phạm đã xảy ra trong quá khứ chưa được phát hiện, xử lý… nhất là các hành vi vi phạm đã xảy ra trước ngày 15/10/1993 là rất khó xác định, thời hiệu xử phạt đã hết; một số biện pháp khắc phục hậu quả chưa phù hợp với thực tế; theo Nghị định số 91 ngày 19/11/2019 của Chính phủ, một số khái niệm, thuật ngữ, hành vi vi phạm cụ thể còn chưa rõ, khó xác định trên thực tế dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng xử lý vi phạm trong lĩnh vực đất đai…
Do vậy việc ban hành Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai là cần thiết, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn trong giai đoạn hiện nay. Dự thảo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai gồm có 4 chương, 36 điều. Trong đó giữ nguyên 4 chương và giảm 8 điều so với Nghị định số 91.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, phân tích, làm rõ các nội dung trong Nghị định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả; thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính; các điều khoản thi hành…
Kết luận hội nghị, lãnh đạo Chính phủ đề nghị cơ quan soạn thảo cần bám sát quy định, chi tiết, đầy đủ các hành vi vi phạm, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả bảo đảm phù hợp với Luật Đất đai năm 2024 cũng như sự phù hợp, đồng bộ và thống nhất giữa pháp luật về đất đai và các quy định của pháp luật khác có liên quan; bảo đảm sự kế thừa, ổn định của hệ thống pháp luật đất đai; sửa đổi, bổ sung các quy định chưa phù hợp với thực tiễn.
Ngoài ra, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục tiếp thu, tổng hợp các ý kiến để tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện các quy định, bảo đảm chất lượng của văn bản trước khi trình Chính phủ.
Nguyễn Thơm – Minh Đường
Nguồn: https://baoninhbinh.org.vn/hoi-nghi-truc-tuyen-ve-xay-dung-nghi-dinh-quy-dinh-xu-phat/d20240829114011147.htm