Sáng 11/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì hội nghị trực tuyến Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản (BĐS) cho các địa phương, doanh nghiệp sau khi các luật mới được ban hành.
Tại điểm cầu tỉnh Ninh Bình, đồng chí Nguyễn Cao Sơn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
Theo Báo cáo của Bộ Xây dựng, thời gian qua, với sự vào cuộc quyết liệt, phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành, chính quyền các địa phương thông qua việc triển khai thực hiện hàng loạt các chính sách, nhiệm vụ, giải pháp, biện pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS đã được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành ban hành,… thị trường BĐS nói chung và việc tháo gỡ khó khăn trong triển khai thực hiện dự án BĐS đã có nhiều chuyển biến theo chiều hướng tích cực.
Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành đã có nhiều hướng dẫn, đôn đốc các địa phương, doanh nghiệp giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền.
Về phía các địa phương, đã ban hành các văn bản triển khai thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành giao, đôn đốc, hướng dẫn; đồng thời, tập trung chỉ đạo giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho lĩnh vực BĐS, cho các dự án BĐS trên địa bàn, giúp thị trường BĐS vượt qua giai đoạn khó khăn nhất.
Mặc dù nhiều khó khăn, vướng mắc về mặt thể chế đã được các luật mới (Luật Đấu thầu, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng) được Quốc hội thông qua tháo gỡ, tuy nhiên các luật chưa có hiệu lực thi hành dẫn đến chưa giải quyết ngay được các khó khăn, vướng mắc tại thời điểm hiện nay.
Nhiều dự án BĐS tại các địa phương gặp khó khăn; sức mua và thanh khoản giảm mạnh; số lượng dự án phát triển nhà ở được chấp thuận mới và hoàn thành giảm so với các năm trước đây, dẫn đến nguồn cung cho thị trường khá hạn chế.
Trong khi đó giá nhà ở lại có xu hướng tăng, vượt quá khả năng đáp ứng về tài chính của đại đa số người dân có nhu cầu mua để sử dụng; các khó khăn liên quan đến vấn đề pháp lý, nguồn vốn tín dụng; giải quyết thủ tục hành chính của một số địa phương còn chậm…
Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, ngân hàng, các tập đoàn, doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực BĐS đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành trong việc giải quyết khó khăn, thúc đẩy phục hồi lĩnh vực BĐS.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng những khó khăn trong lĩnh vực này vẫn còn nhiều và đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm chỉ đạo, ban hành cơ chế, chính sách gỡ khó về chênh lệch nguồn cung, việc định giá đất, tháo gỡ khó khăn cho các dự án nhà ở xã hội, rút ngắn tối đa các thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ giải quyết thủ tục pháp lý các dự án BĐS, tạo sự minh bạch, công bằng, giá thành hợp lý khi đến tay người tiêu dùng; kéo dài thời hạn hỗ trợ lãi suất cho vay, định kỳ tổ chức các hội nghị tháo gỡ khó khăn cho ngành BĐS…
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà khẳng định: “Sức khỏe” của thị trường BĐS thể hiện “sức khỏe” của nền kinh tế, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm tới hoạt động kinh doanh BĐS.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, hoạt động kinh doanh BĐS khi phát triển sôi động sẽ kéo theo hệ sinh thái với hàng trăm lĩnh vực tham gia, phát triển. Vì vậy, cần sự vào cuộc cởi mở, chia sẻ, quyết liệt của các cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp để nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án BĐS nói riêng, thị trường BĐS nói chung.
Phó Thủ tướng đề nghị Tổ công tác của Chính phủ và các địa phương cần xác định rõ vướng mắc do đâu và vướng ở bộ phận nào thì bộ phận đó phải vào cuộc giải quyết dứt điểm.
Về phía Ngân hàng Nhà nước, cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tín dụng BĐS để có các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy việc cho vay tín dụng đối với các doanh nghiệp BĐS, tạo thuận lợi cho người mua nhà tiếp cận được nguồn vốn tín dụng.
Đối với các địa phương, cần làm việc trực tiếp với từng doanh nghiệp, từng dự án, nhất là các dự án lớn để nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, liên quan đến các thủ tục thuộc thẩm quyền về đất đai, đầu tư, quy hoạch, nhà ở… từ đó có các giải pháp để giải quyết thấu đáo.
Đối với các doanh nghiệp, cần chủ động rà soát về thủ tục pháp lý, nêu cụ thể các khó khăn, vướng mắc của từng dự án để đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết theo đúng chức năng, thẩm quyền.
Nguyễn Lựu-Anh Tuấn