Sáng 31/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì hội nghị trực tuyến với các địa phương về hoàn thiện Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 (Quy hoạch điện VIII).
Tham dự hội nghị có lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành trong cả nước. Tại điểm cầu Ninh Bình, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự và chủ trì. Cùng dự có lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Theo Quy hoạch điện VIII, giai đoạn đến năm 2030, mỗi năm Việt Nam cần khoảng 11,3 – 11,5 tỷ USD đầu tư các dự án nguồn và lưới điện. Riêng vốn năm 2025 trên 57 tỷ USD, trong đó nguồn điện chiếm hơn 84% và lưới truyền tải 16%. 5 năm sau đó, các dự án nguồn điện cần 72 tỷ USD để đầu tư, xây dựng trong khi truyền tải xấp xỉ 6 tỷ USD.
Về nhu cầu điện năng lượng tái tạo cho sản xuất các loại năng lượng mới (như hydro xanh, amoniac xanh) phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, ưu tiên phát triển tại các khu vực có tiềm năng năng lượng tái tạo cao, thuận tiện trong vận chuyển là khu vực Nam Bộ và Nam Trung Bộ; quy mô phát triển phấn đấu đạt 5.000MW vào năm 2030 (chủ yếu là nguồn điện gió trên biển) và sẽ được xác định rõ khi có các dự án khả thi về công nghệ và giá thành. Công suất nguồn năng lượng tái tạo để sản xuất năng lượng mới không tính vào cơ cấu nguồn điện cung cấp cho phụ tải hệ thống điện quốc gia.
Để thực hiện Quy hoạch, dự thảo Kế hoạch cũng đề ra các giải pháp như đảm bảo an ninh cung cấp điện; tạo nguồn vốn và huy động vốn đầu tư phát triển ngành; pháp luật và chính sách; bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai; khoa học và công nghệ; sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả; phát triển nguồn nhân lực; hợp tác quốc tế; tăng cường năng lực trong nước, nội địa hóa thiết bị ngành điện, xây dựng phát triển ngành cơ khí điện; tổ chức quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động điện lực; tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Quy hoạch điện VIII là quy hoạch quốc gia rất quan trọng, cần phải sớm đầu tư xây dựng đồng bộ nguồn và lưới điện, bảo đảm vững chắc về an ninh cung ứng điện, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, góp phần giữ vững quốc phòng – an ninh của đất nước. Vì vậy, Quy hoạch điện VII phải bám sát phương án phát triển nguồn, lưới điện các tiêu chí và giải pháp, nguồn lực.
Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương khẩn trương bổ sung, hoàn thiện Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII đảm bảo tuân thủ quy định của Luật Quy hoạch và pháp luật có liên quan.
Trong đó, lưu ý việc xác định danh mục các dự án, đề án, quy mô công suất các loại hình nguồn điện phải đảm bảo cân đối theo vùng, miền; cân bằng cung – cầu nội vùng nhằm phát triển, khai thác hiệu quả các nguồn điện.
Các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố xác định cụ thể phương thức, nguồn lực, cơ chế phối hợp thực hiện, đảm bảo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII được triển khai có hiệu quả, góp phần cung cấp đủ điện phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện việc lựa chọn chủ đầu tư các dự án điện, bố trí quỹ đất cho phát triển các công trình điện theo quy định của pháp luật; chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư thực hiện việc giải phóng mặt bằng, bồi thường, di dân, tái định cư cho các dự án nguồn điện, lưới điện theo quy định; Tập đoàn Điện lực Việt Nam giữ vai trò chính trong việc đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn cho phát triển kinh tế – xã hội.
Thực hiện đầu tư các dự án nguồn điện và lưới điện truyền tải theo nhiệm vụ được giao; Thường xuyên rà soát, đánh giá cân đối cung – cầu điện, tình trạng vận hành hệ thống điện toàn quốc và khu vực, báo cáo các cấp có thẩm quyền; Thực hiện triệt để các giải pháp đổi mới quản trị doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất – kinh doanh, tăng năng suất lao động, giảm tổn thất điện năng, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành.
Nguyễn Thơm- Anh Tuấn