Chiều 4/9, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chủ trì cuộc họp trực tuyến với các bộ, ban, ngành, các địa phương để triển khai ứng phó với cơn bão số 3 (tên quốc tế là Yagi).
Đồng chí Trần Song Tùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh dự và chủ trì hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình. Cùng dự có lãnh đạo một sở, ban, ngành, địa phương liên quan.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 10 giờ ngày 4/9, vị trí tâm bão số 3 ở vào khoảng 19 độ Vĩ Bắc; 117,5 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 730 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (118-133 km/giờ), giật cấp 15, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, khoảng 10 km/ giờ. Dự báo, từ chiều ngày 4 đến 6/9, bão số 3 có thể đạt cấp bão rất mạnh trên vùng biển phía Bắc của khu vực Bắc Biển Đông, gió mạnh có thể lên tới cấp 14, giật cấp 17 ở vùng gần tâm bão.
Theo Báo cáo nhanh của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến 6h30 ngày 4/9 đã kiểm đếm, hướng dẫn cho hơn 50.000 phương tiện/219.000 người biết diễn biến, hướng đi của bão số 3 để chủ động di chuyển vòng tránh, trong đó 557 tàu/3.703 người hoạt động tại khu vực Bắc Biển Đông và Quần đảo Hoàng Sa. Sản xuất lúa tại Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ còn 15.000 ha lúa hè thu đang giai đoạn chín sáp, cần tập trung mọi nguồn lực để thu hoạch với phương châm “Xanh nhà hơn già đồng”; khoảng 998.000 ha lúa mùa đang ở giai đoạn sinh trưởng, cần huy động mọi nguồn lực nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, tiêu thoát nước sớm, tránh ngập úng khi mưa lớn xảy ra.
Tại Ninh Bình, thực hiện Công điện số 86 ngày 3/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ, Công điện số 6475 ngày 2/9/2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh đã ban hành Công điện số 20 ngày 3/9/2024 về việc tập trung ứng phó bão số 3. Thường xuyên cập nhật tình hình, diễn biến của bão để thông báo kịp thời đến nhân dân chủ động các biện pháp phòng, chống.
Tính đến 13h, ngày 4/9/2024, tỉnh đã thông báo cho tất cả 119 phương tiện/267 thuyền viên, 218 lều chòi/347 lao động phía ngoài đê Bình Minh III về diễn biến và hướng di chuyển của cơn bão để có biện pháp phòng tránh. Dự kiến, cấm biển vào 13h ngày 5/9/2024 và đến 15h, ngày 6/9/2024 toàn bộ tàu thuyền, lao động sẽ vào nơi tránh trú bão an toàn.
Thảo luận tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành Trung ương, các địa phương liên quan đã báo cáo công tác chuẩn bị, ứng phó với bão số 3 theo tinh thần Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ và dự báo khả năng, biện pháp hạn chế giảm thiểu tối đa thiệt hại do bão số 3 gây ra.
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đánh giá cao sự chuẩn bị tích cực của các bộ, ngành và địa phương để chủ động ứng phó với cơn bão số 3. Đây là cơn bão có cường độ rất mạnh, vì vậy Bộ trưởng yêu cầu các địa phương theo sát diễn biến của bão; thực hiện nghiêm Công điện số 86, ngày 3/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, phải chủ động chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản, phương án, đồng thời tăng cường truyền thông các biện pháp, kỹ năng ứng phó cho người dân; thông tin kịp thời giữa các địa phương với Ban Chỉ huy PCTT quốc gia cũng như với các ban, bộ, ngành, địa phương để xử lý các tình huống, tiếp tục chuẩn bị chu đáo nhất có thể với mục tiêu không để thiệt hại về người và giảm thiểu tối đa thiệt hại về tài sản.
Các địa phương rà soát, triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn đối với các hoạt động du lịch, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản trên biển, cửa sông, ven bờ; kiên quyết sơ tán người dân trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản đến nơi an toàn trước khi bão ảnh hưởng trực tiếp. Căn cứ tình hình cụ thể, chủ động quyết định việc cấm biển đối với tàu cá, tàu vận tải, tàu du lịch.
Phát biểu chỉ đạo sau khi hội nghị trực tuyến kết thúc, đồng chí Trần Song Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu trên cơ sở phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cũng như các văn bản chỉ đạo của tỉnh về ứng phó với bão số 3, các đồng chí thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh nêu cao tinh thần trách nhiệm, theo chức năng, nhiệm vụ khẩn trương triển khai nhiệm vụ, chủ động kiểm tra địa bàn được phân công phụ trách, kịp thời báo cáo ngay khi có sự cố. Không để người dân ở lại trên các chòi canh; sơ tán nhân dân khỏi các khu vực xung yếu, trũng thấp, không đảm bảo an toàn.
Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh sẵn sàng lực lượng, phương tiện cơ động ứng cứu, khắc phục hậu quả khi có tình huống xảy ra.
Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thường xuyên kiểm tra, rà soát các công trình đê điều, thủy lợi; kịp thời phát hiện các sự cố để có phương án đảm bảo an toàn. UBND các huyện, thành phố chỉ đạo kiểm tra rà soát, chằng chống nhà cửa, kho tàng.
UBND huyện Kim Sơn đặc biệt lưu ý tuyến đê biển Bình Minh 4; kiểm tra và triển khai phương án bảo vệ các công trình trọng điểm, xung yếu.
Bảo vệ sản xuất nông nghiệp, chống ngập úng khu đô thị và khu công nghiệp; chuẩn bị tốt công tác 4 tại chỗ, chủ động thực hiện các phương án, kịch bản, sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn và khắc phục nhanh hậu quả bão, lũ.
Hoàng Hiệp-Anh Tuấn
Nguồn: https://baoninhbinh.org.vn/hoi-nghi-truc-tuyen-ve-cong-tac-ung-pho-voi-con-bao-so-3/d20240904163424702.htm