Chiều 5/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì Hội nghị trực tuyến công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) năm 2023 và 4 tháng đầu năm 2024.
Đồng chí Trần Song Tùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình. Cùng dự có đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh; lãnh đạo UBND các huyện, thành phố: Ninh Bình, Tam Điệp, Kim Sơn, Yên Mô, Nho Quan, Hoa Lư, Gia Viễn.
Theo Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, năm 2023, có 60/60 tỉnh, thành phố có rừng đã công bố hiện trạng rừng với tổng diện tích rừng cả nước 14.860.309 ha, trong đó diện tích rừng tự nhiên 10.129.751 ha; tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc đạt 42,02%.
Năm 2023, các cơ quan chức năng đã phát hiện 3.327 vụ vi phạm ảnh hưởng đến rừng trên phạm vi cả nước, giảm 597 vụ so với năm 2022; diện tích rừng bị tác động là hơn 1.047 ha. Nhìn chung, số vụ vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng đã giảm dần qua các năm.
Trong 4 tháng đầu năm 2024, các cơ quan chức năng đã phát hiện 650 vụ phá rừng, diện tích bị tác động 182 ha, giảm gần 76 ha. Tuy nhiên, 4 tháng qua, cả nước đã xảy ra 89 vụ cháy rừng với diện tích rừng bị ảnh hưởng ước tính sơ bộ khoảng 498 ha, tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm 2023.
Đối với Ninh Bình, năm 2023, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 3 vụ cháy rừng; diện tích thiệt hại 0,96 ha (trong đó có 0,44 ha rừng phòng hộ); mức độ thiệt hại là cháy dưới tán rừng, cháy thực bì cây bụi…
Tỉnh Ninh Bình hiện có trên 28. 012 ha rừng. Để đảm bảo công tác quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR năm 2024, trên địa bàn tỉnh đã xác định 20 xã là vùng trọng điểm cháy, với tổng 24.711 ha diện tích rừng dễ cháy, bao gồm diện tích rừng trên núi đá, rừng trồng thông nhựa, rừng tại các khu di tích, rừng giáp ranh với khu dân cư.
Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, lực lượng liên ngành (Công an, Quân đội và Kiểm lâm) đã thực hiện 4 cuộc kiểm tra công tác PCCCR đối với các chủ rừng trên địa bàn tỉnh. Qua đó chỉ ra những mặt còn tồn tại, hạn chế và yêu cầu các đơn vị được giao quản lý rừng khắc phục ngay để đảm bảo an toàn PCCCR trong thời điểm nắng nóng như hiện nay.
Sau khi nghe đại diện các địa phương, bộ, ngành báo cáo, đề xuất kiến nghị, đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện tốt Nghị định 156/NĐ-CP của Chính phủ ngày 16/11/2018 về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp. Trên cơ sở lấy ý kiến các địa phương, bộ, ngành để phát huy sự đa dạng sinh thái rừng, phát triển kinh tế.
Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an làm tốt công tác tuyên truyền liên quan đến quản lý, bảo vệ rừng và công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.
Đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh, các địa phương, đơn vị có liên quan cần thấy rõ nghĩa vụ, trách nhiệm về quản lý, bảo vệ rừng và công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Cần chủ động và khẩn trương rà soát kế hoạch, phương án phòng cháy, chữa cháy rừng tại cơ sở với phương châm “bốn tại chỗ”; bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Chú trọng hơn nữa việc ứng dụng công nghệ thông tin, phương tiện (sử dụng máy định vị GPS, Flycam…) kịp thời phát hiện cháy rừng, vị trí đám cháy; chính quyền cơ sở làm tốt việc quản lý di dân tự do, nắm rõ các diện tích đất canh tác giáp ranh với diện tích rừng…
Minh Đường-Anh Tuấn