Ngày 13/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (gọi tắt là khai thác IUU) chủ trì hội nghị trực tuyến với 28 địa phương ven biển để thúc đẩy các giải pháp chống khai thác IUU, đáp ứng các khuyến nghị của Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) sau lần thanh tra thứ 4 vào tháng 10/2023 vừa qua, nhằm nỗ lực gỡ thẻ vàng đối với sản phẩm hải sản khai thác của Việt Nam.
Chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Ninh Bình có đồng chí Trần Song Tùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương liên quan.
Sau 6 năm Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo thẻ vàng đối với sản phẩm hải sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường châu Âu vì chưa tuân thủ đầy đủ các quy định chống khai thác IUU, Đoàn Thanh tra của EC đã có 4 đợt thanh tra thực tế tại Việt Nam.
Mặc dù ghi nhận nhiều nỗ lực của Việt Nam trong chống IUU nhưng EC cũng chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế, chưa thể gỡ thẻ vàng. Cụ thể: Khung pháp lý cơ bản đã toàn diện để quản lý hoạt động khai thác hải sản, chống khai thác IUU, tuy nhiên cần phải sửa đổi, bổ sung quy định xử phạt hành vi vượt ranh giới cho phép trên biển phát hiện qua hệ thống giám sát tàu cá, quy định kiểm soát đối với nguyên liệu nhập khẩu bằng tàu Công – ten – nơ.
Công tác quản lý đội tàu đã có tiến bộ, giảm dần số lượng tàu; tuy nhiên phải kiểm soát được số lượng tàu đã giảm, đảm bảo không tham gia khai thác hải sản. Dữ liệu tàu cá trên cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase) có sự cải thiện rõ rệt so với đợt thanh tra lần thứ 3; tuy nhiên vẫn chưa đầy đủ so với tổng số đội tàu theo báo cáo. Việc lắp đặt thiết bị VMS trên tàu cá đạt kết quả rất tốt (đạt gần 100%), tuy nhiên lại xảy ra việc mất kết nối khi hoạt động trên biển với số lượng lớn dẫn đến không đảm bảo hiệu quả trong kiểm soát hoạt động tàu cá.
Công tác thực thi pháp luật, xử phạt các trường hợp mất kết nối VMS, vượt ranh giới trên biển tại địa phương còn rất yếu kém. Đặc biệt, EC bày tỏ quan ngại về việc kiểm soát đối với nguyên liệu hải sản nhập khẩu bằng tàu Công – ten – nơ.
EC khuyến nghị: Việt Nam cần thực hiện đánh giá trữ lượng dựa trên các khảo sát khoa học và tiếp tục đưa ra các biện pháp bổ sung để đảm bảo sự cân bằng tốt hơn giữa quy mô đội tàu và trữ lượng nguồn lợi như: cắt giảm đội tàu hơn nữa, thiết lập hạn ngạch đối với một số loài, nhóm loài nhất định hoặc giới hạn số ngày một số tàu nhất định được phép hoạt động trên biển hoặc giảm hơn nữa số lượng giấy phép có thể được cấp đối với các nghề khai thác nhất định.
Đối với việc thực thi pháp luật về thủy sản, cần bảo đảm thực hiện có tính răn đe, hệ thống và thống nhất các hình thức xử phạt trên toàn lãnh thổ Việt Nam, tất cả các vi phạm phải được xử lý, không có trường hợp ngoại lệ.
Đối với Ninh Bình, đến ngày 30/11/2023, tỉnh có 67 tàu cá khai thác hải sản. 100% số tàu đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký, hoàn thành việc đánh dấu tàu cá theo quy định; trong đó có 8 tàu có chiều dài trên 15m khai thác xa bờ đều đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Hiện, tỉnh không có tàu cá vi phạm quy định về khu vực, vùng cấm khai thác hải sản; không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, không có tàu cá có nguy cơ cao vi phạm quy định khai thác bất hợp pháp.
Tuy nhiên, khó khăn của Ninh Bình là các tàu cá chủ yếu là tàu nhỏ, hoạt động vùng lộng và vùng ven bờ, neo đậu tại các luồng lạch (do không có cảng cá) nên việc quản lý các tàu này còn gặp khó khăn. Tình trạng thiết bị giám sát hành trình tàu cá mất kết nối chưa rõ nguyên nhân vẫn xảy ra.
Tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương, bộ, ngành đã phát biểu kiểm điểm, chỉ rõ những tồn tại, nguyên nhân và đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách để quản lý đội tàu cá, quản lý việc truy xuất nguồn gốc hải sản khai thác. Theo đó, nhiều đại biểu đề nghị trong thời gian tới cần tính toán để giảm nợ, giãn nợ để giảm áp lực kinh tế cho các chủ tàu; có chính sách hỗ trợ dạy nghề, chuyển đổi nghề cho ngư dân; thông qua các hoạt động ngoại giao, hợp tác, đưa đội tàu của Việt Nam liên kết với các nước trong khu vực để khai thác hải sản…
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh, dự kiến tháng 4/2024, Đoàn Thanh tra của EC sẽ thanh tra lần thứ 5, đó là cơ hội để Việt Nam gỡ “Thẻ vàng”.
Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các ban, bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương khắc phục các tồn tại, hạn chế trong chống khai thác IUU.
Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai các biện pháp mạnh không để tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
Các tỉnh có tàu cá bị nước ngoài bắt giữ, xử lý từ đầu năm 2023 đến nay gồm: Bình Định, Bình Thuận, Tiền Giang, Bến Tre, Khánh Hòa, Cà Mau, Kiên Giang và các tỉnh có tàu cá vi phạm mất kết nối VMS, khẩn trương rà soát hồ sơ, ra quyết định xử phạt dứt điểm các trường hợp vi phạm còn thời hạn, thời hiệu, hoàn thành trước ngày 30/12/2023.
Tăng cường tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức của thuyền trưởng, chủ tàu, ngư dân; kiểm soát và quản lý đội tàu trên địa bàn, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm khai thác IUU, đảm bảo thực thi pháp luật đồng bộ giữa các địa phương.
Nguyễn Lựu – Anh Tuấn