Sáng nay, (21/9) tại điểm cầu trụ sở Chính phủ, đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị trực tuyến của Chính phủ lấy ý kiến về dự thảo Báo cáo Chính phủ về kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo Nghị quyết 101/2023/QH 15 của Quốc hội khóa XV.
Đồng chủ trì hội nghị có các Phó Thủ tướng Chính phủ, Ủy viên Trung ương Đảng: Trần Hồng Hà và Trần Lưu Quang. Cùng dự có thành viên Tổ công tác; đại biểu các bộ, cơ quan ngang bộ; lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố tại các điểm cầu trên toàn quốc.
Đồng chí Tống Quang Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Ninh Bình. Cùng dự có lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, đại diện các sở, ban, ngành; Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Ninh Bình.
Trên cơ sở báo cáo, kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan có liên quan, Tổ công tác đã tổng hợp, phân loại thành 24 phụ lục tương ứng với 24 nhóm lĩnh vực được yêu cầu rà soát tại Nghị quyết số 101/2023.
Trong đó, tập trung 22 nhóm lĩnh vực được yêu cầu rà soát như: Đấu thầu, đấu giá, quy hoạch, đầu tư công, quản lý và sử dụng đất đai, tài sản công, ngân sách Nhà nước, tài chính công, hợp tác công tư, xã hội hóa dịch vụ công, đầu tư, môi trường, xây dựng, kinh doanh bất động sản, ngân hàng, tài chính, tự chủ tài chính, chứng khoán, trái phiếu, doanh nghiệp, giám định, định giá và các lĩnh vực khác đã được các đoàn kiểm tra, thanh tra, kiểm toán…
Cùng với 1 nhóm lĩnh vực pháp luật khác và 1 nhóm lĩnh vực đã được các đoàn kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án kiến nghị, đề xuất hoặc có nhiều vướng mắc được các địa phương, người dân, doanh nghiệp kiến nghị.
Tổng số văn bản quy phạm pháp luật đã được các cơ quan thực hiện rà soát là 397 văn bản, gồm: 60 luật, nghị quyết của Quốc hội; 139 nghị định của Chính phủ và quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 198 văn bản khác do các cơ quan Trung ương ban hành.
Dự thảo báo cáo của Chính phủ đã tổng hợp, phân loại kiến nghị phản ánh của các bộ, ngành, địa phương về các vấn đề mâu thuẫn, chồng chéo, sơ hở, bất cập, vướng mắc của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.
Nhiều nội dung vướng mắc, bất cập đã được nhận diện, sửa đổi, bổ sung kịp thời hoặc đưa vào quy trình sửa đổi, bổ sung để trình cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định.
Kết luận hội nghị, đồng chí Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Chính phủ đánh giá nhiệm vụ rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật là công việc khó, phức tạp vì liên quan đến đa ngành, đa lĩnh vực, trong khi thời gian yêu cầu nhanh. Dự thảo báo cáo của Chính phủ đã được tổng hợp cơ bản đầy đủ, toàn diện, cụ thể, song Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ cần tiếp thu ý kiến phát biểu của các đại biểu để tiếp tục hoàn thiện dự thảo báo cáo.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của nội dung báo cáo là tính phát hiện, có phân tích đánh giá các bất cập, vướng mắc, chồng chéo. Vì vậy, Tổ công tác cần tiếp tục rà soát trong 22 lĩnh vực trọng tâm, qua đó đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, quyết định.
Tổ công tác cần tập trung đánh giá, rà soát vào những nội dung trong các văn bản quy phạm pháp luật có tác động lớn, cản trở của sự phát triển, gây lãng phí cho xã hội, kẽ hở cho các hành vi vi phạm pháp luật, từ đó đề xuất các kiến nghị, đề xuất để sửa đổi, bổ sung kịp thời. Bên cạnh đó, Tổ công tác phải phối hợp với các Bộ, ngành liên quan đảm bảo thời gian hoàn thiện báo cáo theo quy định.
Đồng chí Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu, nội dung vướng mắc, bất cập trong các thông tư của các Bộ, ngành nào thì Bộ, ngành đó phải khẩn trương tháo gỡ, sửa đổi, bổ sung để trình cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định. Chính phủ sẽ tiếp tục bổ sung các nhiệm vụ sửa đổi, bổ sung trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và những năm tiếp theo.
Minh Đường – Anh Tuấn