Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến đến tất cả các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương. Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương dự và chỉ đạo hội nghị.
Dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương, về phía tỉnh Ninh Bình có các đồng chí: Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Đinh Việt Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh.
Tại điểm cầu Ninh Bình, đồng chí Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị. Cùng dự có các đồng chí lãnh đạo, ủy viên Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; bí thư, phó bí thư, chủ nhiệm và phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy.
Báo cáo tại hội nghị, đồng chí Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Văn Rón cho biết, năm 2023, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng tiếp tục được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy, tổ chức đảng và Ủy ban Kiểm tra các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện.
Cấp ủy các cấp đã kiểm tra trên 57.000 tổ chức đảng và hơn 323.000 đảng viên; đã thi hành kỷ luật 69 tổ chức đảng và hơn 2.100 đảng viên. Ủy ban Kiểm tra các cấp đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với trên 3.500 tổ chức đảng và 9.200 đảng viên. Qua kiểm tra, kết luận có 2.300 tổ chức đảng và trên 7.300 đảng viên có vi phạm; phải thi hành kỷ luật 284 tổ chức đảng và hơn 3.000 đảng viên; đã thi hành kỷ luật 216 tổ chức đảng, hơn 2.600 đảng viên.
Nội dung kiểm tra tập trung vào việc chấp hành nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện những điều đảng viên không được làm; chấp hành các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, giữ gìn đoàn kết nội bộ, quy chế làm việc, chế độ công tác, thực hiện dân chủ trong Đảng; thực hiện nhiệm vụ đảng viên, cấp ủy viên; các lĩnh vực, nơi có vấn đề nổi cộm, phức tạp, dư luận quan tâm, dễ nảy sinh tham nhũng, tiêu cực; có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”…
Các ý kiến thảo luận tại hội nghị đã phân tích làm rõ những kết quả đạt được, đồng thời chỉ ra những mặt còn tồn tại, hạn chế; nêu những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và đề xuất giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, góp phần vào sự phát triển của đất nước.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đánh giá cao và biểu dương những thành tích mà các cấp ủy, tổ chức đảng, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã đạt được trong năm 2023.
Đồng chí nhấn mạnh: Năm 2024 là năm thứ tư thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; chủ trương của Đảng là tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Vì vậy, đề nghị cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu phải nhận thức đúng, đầy đủ về vai trò, tác dụng của công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, thực hiện nhiệm vụ chính trị của các địa phương, cơ quan, tổ chức.
Tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định, quy chế, hướng dẫn của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ủy ban Kiểm tra Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo hướng dẫn cấp ủy, tổ chức đảng và Ủy ban Kiểm tra cấp dưới thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, nhất là trong xử lý những vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, dễ xảy ra vi phạm, các vụ việc tham nhũng, lãng phí tiêu cực, “lợi ích nhóm”.
Đồng chí cũng lưu ý, cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp cần xác định phương hướng, nhiệm vụ, xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát đảm bảo khả thi, thực chất, phù hợp với điều kiện, tình hình của địa phương, đơn vị. Đồng thời, tiếp tục quán triệt phương châm “giám sát phải mở rộng”, “kiểm tra phải có trọng tâm, trọng điểm” để kịp thời nhắc nhở, cảnh báo phòng ngừa xảy ra vi phạm từ sớm, không để khuyết điểm, vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn kéo dài, lan rộng dẫn đến vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Hồng Giang – Đức Lam