Sáng 15/8, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức hội nghị trực tuyến phổ biến các văn bản mới nhằm đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch Việt Nam hiệu quả, bền vững.
Dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình có lãnh đạo Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch, đại diện các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh.
Năm 2023, ngành du lịch Việt Nam tiếp tục phục hồi và phát triển mạnh mẽ. Trong 7 tháng đầu năm 2023, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã đạt gần 6,6 triệu lượt, khách nội địa đạt 76,5 triệu lượt. Doanh thu ước đạt 416.600 tỷ đồng.
Để du lịch Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, phấn đấu là ngành kinh tế mũi nhọn của cả nước, thời gian tới ngành du lịch cần có những chiến lược, mục tiêu cụ thể hơn để phục hồi phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Tại hội nghị, đại diện Tổng Cục Du lịch đã trình bày một số văn bản, chính sách mới như: Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững; Chiến lược marketting du lịch Việt Nam đến năm 2030; Đề án một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm.
Quan điểm chung của các văn bản, chính sách là phát triển du lịch theo hướng bền vững, hiệu quả, tập trung phát triển cả thị trường khách du lịch quốc tế và nội địa. Đồng thời triển khai có trọng tâm, trọng điểm công tác xúc tiến, phù hợp với các thị trường mục tiêu; lấy công nghệ là giải pháp “đi tắt đón đầu” để thúc đẩy du lịch phát triển nhanh, hiệu quả hơn; tăng cường hợp tác công – tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển.
Bày tỏ sự đồng tình về những định hướng, chiến lược phát triển du lịch trong thời gian tới, các địa phương cho rằng, việc phổ biến các văn bản sẽ giúp địa phương xây dựng kế hoạch và chương trình hành động cụ thể.
Bên cạnh đó, một số đại biểu nhấn mạnh: Việc tập trung khai thác và phát triển kinh tế đêm là mục tiêu quan trọng để gia tăng thời gian lưu trú, chi tiêu của du khách, kích thích kinh tế Việt Nam phát triển. Tuy nhiên để thực hiện được mục tiêu này cần có sự vào cuộc tích cực từ Trung ương đến địa phương, các cấp, ngành trong việc hoạch định các chính sách, quy hoạch, kết nối và làm mới sản phẩm …
Tại Ninh Bình, trong thời gian qua tỉnh đã thường xuyên quan tâm, hỗ trợ phát triển ngành du lịch hiệu quả. Mới đấy nhất, ngày 12/7/2023 HĐND tỉnh Ninh Bình đã ban hành Nghị quyết số 105/2023/NQ-HĐND về việc ban hành Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023- 2030. Đây là chính sách đầu tiên hỗ trợ khá đầy đủ về phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, đưa Ninh Bình là một trong số ít các tỉnh đã sớm ban hành được chính sách này.
Đối với việc phát triển du lịch về đêm, Ninh Bình đã sớm có chiến lược và đưa vào khai thác các sản phẩm hiệu quả. Trong đó phố cổ Hoa Lư là điểm đến về đêm được rất nhiều du khách trong nước và quốc tế yêu thích. Qua đó góp phần đa dạng sản phẩm du lịch, gia tăng thời gian lưu trú của du khách và doanh thu du lịch.
Trong thời gian tới, ngành Du lịch Ninh Bình sẽ tiếp tục bám sát các văn bản, chính sách, nâng cao chất lượng phục vụ, nghiên cứu đưa vào các sản phẩm du lịch mới và đẩy mạnh các hoạt động quảng bá xúc tiến trên các nền tảng số.
Ngoài ra, để ngành du lịch Ninh Bình nói riêng, du lịch cả nước nói chung tiếp tục phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả, cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động kết nối liên tỉnh, liên vùng; các bộ, ngành liên quan nghiên cứu chính sách điều chỉnh giá điện; chuyển đổi số cần xuyên suốt, hiệu quả hơn,…
Với 11 ý kiến tham luận từ các địa phương là những góp ý quan trọng để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục tham mưu, nghiên cứu chỉnh sửa cho phù hợp với bối cảnh phát triển, đưa du lịch Việt Nam tiếp tục phục hồi, hiệu quả, bền vững hơn.
Minh Hải – Minh Quang