Dự hội nghị có các đồng chí: Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh. Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
Cùng dự có các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương có liên quan; các chuyên gia, nhà khoa học…
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe đơn vị tư vấn trình bày Báo cáo phương án tổng thể về đồ án Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu của Quy hoạch nhằm nhận diện đầy đủ giá trị của Cố đô Hoa Lư gắn với sự hình thành Nhà nước Đại Cồ Việt; hoàn thiện hệ thống hồ sơ, dữ liệu làm cơ sở chuyển đổi số và tự động hóa trong quản lý; tạo khung pháp lý, chính sách toàn diện, kế hoạch đầu tư nhằm thu hút nguồn lực xã hội trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Hoàn thiện mô hình bảo tồn di sản gắn với phát triển bền vững; xác lập vị thế tương xứng của Cố đô Hoa Lư trong hệ thống các kinh đô trong lịch sử dân tộc; tạo cho khu vực trung tâm Cố đô Hoa Lư trở thành một trong các hạt nhân, động lực thực hiện các chiến lược phát triển đô thị, chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa và du lịch tỉnh Ninh Bình. Bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật, cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái, không gian, cảnh quan văn hóa Cố đô Hoa Lư, phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể; giáo dục giữ gìn truyền thống, bản sắc văn hóa địa phương; đề xuất các giải pháp phát triển hạ tầng kinh tế, xã hội, văn hóa, du lịch, hạ tầng kỹ thuật mang lại lợi ích cho cộng đồng. Hoàn chỉnh ranh giới, phạm vi khoanh vùng bảo vệ di tích; đề xuất giải pháp nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu, thiên tai; tạo tiền đề phát triển kinh tế – xã hội của địa phương gắn với di tích một cách hữu hiệu.
Phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch: Không gian hình thành, phát triển; không gian cảnh quan, các địa danh, địa điểm, địa giới tự nhiên có quan hệ mật thiết trong quá trình hình thành nhà nước Đại Cồ Việt và Cố đô Hoa Lư bao gồm khu vực Kinh thành, Hoàng thành, khu vực đồn trú, phủ đệ, lăng mộ, đình đền, chùa thuộc địa bàn các huyện: Hoa Lư, Gia Viễn, Nho Quan, Yên Mô, Yên Khánh và thành phố Ninh Bình. Trong đó tập trung vào khu vực trung tâm Cố đô Hoa Lư và phụ cận.
Quy mô lập quy hoạch bao gồm: Toàn bộ không gian Cố đô Hoa Lư được xác định bởi các vòng thành và các di tích khảo cổ học dưới lòng đất, không gian cảnh quan, các địa danh, địa điểm, địa giới tự nhiên có quan hệ mật thiết trong quá trình hình thành Nhà nước Đại Cồ Việt và Cố đô Hoa Lư.
Đồ án được thực hiện qua 6 giai đoạn. Giai đoạn 1: Định hướng tầm nhìn và ý tưởng quy hoạch/Báo cáo xin ý kiến các sở, ngành, địa phương có liên quan. Giai đoạn 2: Định hướng chiến lược và phát triển không gian/Báo cáo xin ý kiến các sở, ngành, địa phương có liên quan. Giai đoạn 3: Phát triển (nội dung) quy hoạch/Báo cáo tham vấn chuyên gia, các tổ chức và cộng đồng dân cư nơi có di tích. Giai đoạn 4: Thiết lập hồ sơ trình thẩm định/Báo cáo xin ý kiến và thông qua các cấp có thẩm quyền tỉnh Ninh Bình. Giai đoạn 5: Thiết lập hồ sơ trình duyệt/Báo cáo xin ý kiến các bộ, ngành; trình Hội đồng thẩm định; trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Giai đoạn 6: Hoàn thiện hồ sơ cuối cùng theo quyết định phê duyệt/Hoàn thiện, giao nộp hồ sơ cuối cùng theo quyết định phê duyệt; Báo cáo công bố quy hoạch.
Hiện nay, đồ án đang được triển khai đến giai đoạn 3. Sau hội nghị, đồ án sẽ được triển lãm trưng bày, lấy ý kiến cộng đồng dân cư theo quy định tại điều 6, Nghị định 166 năm 2018 của Chính phủ, là tiền đề để bước vào giai đoạn 4 – thiết lập hồ sơ trình thẩm định, báo cáo xin ý kiến và thông qua các cấp có thẩm quyền của tỉnh.
Tại hội nghị, các chuyên gia, nhà khoa học đã trao đổi, đóng góp ý kiến vào nội dung phương án, ý tưởng Quy hoạch. Đánh giá phương án Quy hoạch đã được đơn vị tư vấn xây dựng đảm bảo chất lượng, có tính khả thi, đáp ứng được yêu cầu, nội dung của nhiệm vụ lập quy hoạch, đồng thời bám sát nội dung tại Quyết định số 56, năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Các chuyên gia cũng lưu ý với đơn vị tư vấn: Trong nội dung Quy hoạch cần quan tâm đến những giá trị đặc sắc của Cố đô Hoa Lư, nhất là những di sản văn hóa phi vật thể; định hình rõ chức năng của Cố đô Hoa Lư trong mối liên kết với kinh đô Thăng Long và Cố đô Huế, từ đó xác định quan điểm, phương hướng phục dựng; cần nhấn mạnh làm nổi bật thêm vị trí, vai trò của Cố đô Hoa Lư cũng như mục tiêu trở thành Đô thị di sản thiên niên kỷ; việc lập quy hoạch cần tập trung vào các yếu tố gốc cần được bảo tồn là cảnh quan thiên nhiên, cảnh quan văn hóa, các công trình kiến trúc, di tích, vai trò hạt nhân của con người trong ý tưởng quy hoạch.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn đánh giá cao ý tưởng quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư do đơn vị tư vấn trình bày, đã khẳng định được giá trị đặc biệt của Cố đô Hoa Lư và hướng đến tầm nhìn lâu dài là phát triển kinh tế di sản.
Đồng chí cũng phân tích thêm về quá trình hình thành, định vị Cố đô Hoa Lư trong tiến trình lịch sử dân tộc; khẳng định mối liên kết giữa Hoa Lư với Kinh thành Thăng Long; cũng như vai trò của Hoa Lư trong mối quan hệ liên kết văn hóa giữa hai vùng Bắc Bộ và Bắc Trung bộ, vai trò của kinh đô Hoa Lư có ý nghĩa tạo tiền đề để xây dựng kinh thành Thăng Long, đồng thời cần chú trọng giữa bảo tồn và phát triển do đó việc phát triển kinh tế di sản cần có một tầm nhìn dài hạn…
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc khẳng định quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Ninh Bình trong suốt giai đoạn vừa qua; đặc biệt từ năm 2020 tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã nhấn mạnh: Phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, con người vùng đất Cố đô Hoa Lư làm động lực và nguồn lực cho sự phát triển của tỉnh. Đây cũng là trọng tâm quan trọng trong quy hoạch tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đồng chí đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao tiếp thu ý kiến của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và ý kiến tham vấn của các chuyên gia, nhà khoa học để cùng với đơn vị tư vấn hoàn thiện phương án quy hoạch, bám sát vào Quyết định 56, năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ và thực tế phát triển của tỉnh, đảm bảo phương án quy hoạch Di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư phải hài hòa, phù hợp với các quy hoạch khác của tỉnh Ninh Bình trước đó.
Để phương án Quy hoạch có tính khả thi cao, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị đơn vị tư vấn quan tâm đến quy mô lập quy hoạch, những di tích có liên quan trực tiếp tới sự hình thành và phát triển của Cố đô Hoa Lư. Đồng thời tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương hoàn chỉnh phương án quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong thời gian tới và sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Mai Phương-Minh Quang