Sáng 12/12, tỉnh Ninh Bình phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị khoa học với chủ đề “Bàn về Đô thị Di sản thiên niên kỷ và hàm ý chính sách cho tỉnh Ninh Bình”. Các đồng chí: PGS.TS Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Tiến sĩ Nguyễn Tường Văn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng; Tiến sĩ Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch dự và chủ trì hội nghị.
Cùng dự có các đồng chí: Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản; các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh.
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình nhấn mạnh: Trong suốt hàng nghìn năm dựng nước, giữ nước của dân tộc ta, vùng đất Ninh Bình luôn là địa bàn chiến lược, ghi dấu những mốc lịch sử hào hùng về bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Hiện nay, dấu tích của Cố đô Hoa Lư thuộc xã Trường Yên, huyện Hoa Lư là 1 trong 4 vùng lõi thuộc Quần thể danh thắng Tràng An với hai yếu tố nổi bật về văn hóa và thiên nhiên, đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới vào năm 2014, là di sản thế giới kép đầu tiên và duy nhất tại khu vực Đông Nam Á; đồng thời đã được Tổng Giám đốc UNESCO đánh giá là một trong những mô hình mẫu mực, điển hình thế giới về kết hợp thành công giữa phát triển kinh tế và du lịch bền vững mà vẫn có thể tôn trọng thiên nhiên, đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân, Nhà nước và doanh nghiệp.
Tiếp nối truyền thống lịch sử vẻ vang của cha ông, trong những năm qua, dưới sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Ninh Bình đã luôn đoàn kết, thống nhất, chủ động, sáng tạo, sớm nhận diện được những tiềm năng, thế mạnh và có những quyết sách kịp thời, đúng đắn và kiên định thực hiện chiến lược phát triển “Xanh và bền vững, hài hòa”, đã giúp Ninh Bình có bước phát triển toàn diện: Kinh tế liên tục tăng trưởng khá, quy mô ngày càng mở rộng, cơ cấu chuyển dịch đúng hướng; từ năm 2022 đã trở thành tỉnh tự cân đối ngân sách Nhà nước và điều tiết nguồn thu về Trung ương; thu nhập bình quân đầu người đến hết năm 2022 xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Đặc biệt, Ninh Bình đã phát triển hài hòa giữa các vùng và cùng với quá trình phát triển, vẫn lưu giữ được những giá trị, bản sắc riêng có; ngành du lịch Ninh Bình có những bước chuyển mạnh mẽ, thuộc 10 tỉnh có lượng khách đến cao nhất và là một trong những trọng điểm du lịch trong cả nước và quốc tế.
Với đặc thù và tiềm năng về thiên nhiên – văn hóa – lịch sử của mình, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Ninh Bình đề ra quyết tâm xây dựng Ninh Bình trở thành Đô thị di sản thiên niên kỷ và trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2035. Có thể nói, mục tiêu trên là phù hợp với tiềm năng của vùng đất Ninh Bình và xu thế phát triển chung trên toàn thế giới.
Ngày 23/8/2023, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình đã ban hành Nghị quyết số 16-NQ/TU về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023-2030, trong đó có mục tiêu đến năm 2025: “Thực hiện hợp nhất thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư, đồng thời sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, gắn với định hình tính chất đơn vị hành chính mới sau hợp nhất là “Đô thị Cố đô – di sản”, dựa trên các giá trị độc đáo về địa tự nhiên – sinh thái, văn hóa – lịch sử, sở hữu di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Đồng thời, hoàn thiện các tiêu chí công nhận đơn vị hành chính mới sau hợp nhất là đô thị loại I trực thuộc tỉnh” và mục tiêu: “Hướng tới xây dựng tỉnh Ninh Bình cơ bản đáp ứng các tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2030”.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc nêu rõ: Vấn đề mang tính chiến lược của tỉnh Ninh Bình là xây dựng và phát triển tỉnh Ninh Bình trở thành “Đô thị di sản thiên niên kỷ – Hướng tới thành phố trực thuộc Trung ương”. Theo Quyết định số 1266 ngày 28/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; trong tổng diện tích 21.000 ha đô thị Ninh Bình thì diện tích Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An chiếm khoảng 12.000 ha (chiếm 57%), trong đó vùng lõi di sản là 6.000 ha, điển hình nhất là Cố đô Hoa Lư với hàng nghìn năm lịch sử là Kinh đô của Nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên của Việt Nam.
Theo phương án sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh đã được phê duyệt, thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư sẽ được hợp nhất để trở thành 1 đô thị và dự kiến là Thành phố Hoa Lư, nghĩa là gần như toàn bộ phạm vi quy hoạch chung đô thị Ninh Bình sẽ trở thành thành phố Hoa Lư trong tương lai và thành phố mới sẽ có gần 30% diện tích là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.
Để hội nghị đạt được kết quả cao, có nhiều ý kiến tâm huyết của các nhà nghiên cứu, chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý và các quý vị đại biểu, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc trân trọng đề nghị các ý kiến chuyên sâu, tập trung vào hai nội dung:
Thứ nhất: Bàn về đô thị di sản thiên niên kỷ, trong đó các ý kiến trao đổi về luận cứ khoa học – thực tiễn cho xây dựng tiêu chí đô thị và phân loại đô thị đặc thù, phù hợp đặc trưng, hình thái, chức năng đô thị dựa trên nền tảng giá trị văn hóa và sinh thái của tỉnh Ninh Bình.
Thứ hai: Tập trung làm rõ về giá trị di sản Ninh Bình để làm cơ sở đánh giá, phân tích những thành tựu, hạn chế, nguyên nhân và rút ra các bài học kinh nghiệm. Trên cơ sở đó đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp và các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm phát huy giá trị nổi bật, riêng có về văn hóa – lịch sử của con người, vùng đất Cố đô Hoa Lư.
Trong đó, nhóm cơ chế, chính sách có vai trò và ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là công cụ hỗ trợ, khuyến khích, động viên, thúc đẩy, phát huy nội lực, huy động được tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Nhằm phát huy và khai thác hết các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, sớm đạt mục tiêu xây dựng thành phố Hoa Lư trong tương lai trở thành Đô thị di sản thiên niên kỷ thì Ninh Bình cần có cơ chế, chính sách đủ mạnh và phù hợp.
Do đó sẽ tập trung đề xuất nhóm các cơ chế, chính sách liên quan đến công tác quy hoạch; nhóm về bảo tồn và trùng tu, phát huy các giá trị di tích lịch sử, di sản; nhóm các phương thức đô thị hóa và phân loại đô thị phù hợp chức năng đô thị di sản, tránh được áp lực của mô hình “đô thị nén” gây xung đột với yêu cầu bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới; sáng tạo nên mô hình cư trú và sinh kế chuyển đổi phù hợp cho cư dân trong các đô thị di sản hướng vào giải quyết tốt cả mục tiêu bảo tồn và phát triển; mở rộng cơ hội hợp tác và thúc đẩy kết nối giữa các đô thị di sản trên thế giới. Nhóm cơ chế, chính sách tạo ra nguồn lực tập trung về nội dung tiếp cận các nguồn vốn để đầu tư phát triển; nhóm cơ chế, chính sách về thu hút đầu tư tập trung vào xem xét các cơ chế, chính sách đặc thù về quy hoạch, đất đai, thủ tục đầu tư nhằm thu hút các nhà đầu tư; nhóm cơ chế, chính sách về đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh tin tưởng, những vấn đề được đề cập và phân tích qua các nội dung tham luận và trao đổi một cách tích cực tại hội nghị sẽ đem lại kết quả quan trọng và hữu ích cho định hướng quản lý, phát triển đô thị di sản thiên niên kỷ tỉnh Ninh Bình; phát huy giá trị nổi bật, riêng có về văn hóa – lịch sử của con người, vùng đất Cố đô Hoa Lư và giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An, từng bước xây dựng tỉnh Ninh Bình cơ bản đạt các tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2030 và đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, là đô thị di sản thiên niên kỷ tiêu biểu trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương nêu các cơ sở để xây dựng thành phố Ninh Bình là đô thị di sản – du lịch và phong cảnh, đó là tài nguyên thiên nhiên, di sản thiên nhiên độc nhất vô nhị; di sản văn hóa, lịch sử, kiến trúc, nhân văn tiêu biểu có nhiều khả năng phát huy trên nền cảnh di sản văn hóa, lịch sử dân tộc; thành phố Ninh Bình và vùng phụ cận nằm trong vùng văn hóa, lịch sử, cảnh quan thiên nhiên, kết nối với vùng duyên hải Kim Sơn, Phát Diệm. Đặc biệt, thành phố Ninh Bình chưa hẳn trở thành một thành phố công nghiệp, đang chưa hẳn định hình, còn nhiều khả năng cho việc kiến tạo một mô hình mới, khác lạ và đặc biệt.
Theo Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương, phương châm vĩ mô và lâu dài: Hoa Lư là thành phố mà con người tại chỗ thụ hưởng cuộc sống yên lành, con người ở chỗ khác đến tìm thấy ở đây là một nơi mà lịch sử – thiên nhiên – hiện tại cộng sinh, nơi có thể bồi bổ kiến thức lịch sử, được du ngoạn – thưởng lãm hoạt động văn hóa – thể thao, hội hè… mà không phải nơi nào khác có được như thế.
Để làm rõ hơn các nội dung liên quan đến di sản, đô thị và gợi mở cho Ninh Bình những hàm ý về xây dựng tiêu chuẩn và những cơ chế, chính sách đủ mạnh trong xây dựng Đô thị di sản thiên niên kỷ trong thời gian tới, hội nghị đã dành nhiều thời gian nghe ý kiến tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý.
Báo Ninh Bình sẽ tiếp tục cập nhật nội dung của Hội nghị.
Song Nguyễn – Anh Tuấn