Các đồng chí: Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự và chủ trì hội nghị.
Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh; đại biểu một số cơ quan Trung ương theo dõi Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành có liên quan và các đồng chí Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy.
Tại hội nghị, các đại biểu đã cho ý kiến vào Báo cáo Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, các đại biểu thống nhất với sự cần thiết lập quy hoạch nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh và kế thừa quy hoạch thời kỳ trước có liên quan. Các đại biểu cũng đánh giá cao Quy hoạch tỉnh Ninh Bình được lập theo phương pháp tích hợp, tiếp cận “từ dưới lên và từ trên xuống” sẽ góp phần xây dựng cơ sở khoa học và thực tiễn để lập quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng về tổ chức không gian các hoạt động kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, hệ thống đô thị, nông thôn, kết cấu hạ tầng, phân bổ đất đai, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường, làm cơ sở lập quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch xây dựng vùng huyện, liên huyện và xây dựng kế hoạch, chương trình phát triển các ngành trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, các đại biểu tập trung cho ý kiến về quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu phát triển, nhiệm vụ trọng tâm đột phá phát triển. Trong đó thống nhất quan điểm chung: Quy hoạch của tỉnh bảo đảm thống nhất với Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của cả nước, Quy hoạch ngành quốc gia, Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Việc thực hiện Quy hoạch tỉnh phục vụ cho mục tiêu chiến lược, đó là xây dựng Ninh Bình là đô thị di sản thiên niên kỷ tiêu biểu của đất nước và khu vực châu Á-Thái Bình Dương; trung tâm du lịch, dịch vụ văn hóa-xã hội, môi trường-sinh thái chuyên biệt, đặc sắc của quốc gia và quốc tế; trung tâm lớn về công nghiệp văn hóa; một trung tâm công nghiệp cơ khí ô tô hiện đại hàng đầu đất nước; địa bàn vững chắc về quốc phòng, an ninh; hình mẫu phát triển dựa trên sự kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa phục dựng, bảo tồn di sản và tăng trưởng kinh tế, hướng vào các tiêu chí xã hội phát triển và nhân dân hạnh phúc.
Ngoài ra, các đại biểu cũng tập trung làm rõ một số nội dung liên quan đến nhận diện các vấn đề trọng tâm cần giải quyết trong quy hoạch; vấn đề phát triển liên kết vùng, mô hình tăng trưởng; phương án phát triển kết cấu hạ tầng; phân bổ và quy hoạch đất đai; quy hoạch hệ thống đô thị và tổ chức lãnh thổ khu vực nông thôn…
Một số đại biểu đề nghị các đơn vị tư vấn xây dựng Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cần cập nhật Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư và một số quy hoạch khác đang được xây dựng, bảo đảm đồng bộ và tránh xung đột giữa các quy hoạch. Bên cạnh đó cần quan tâm đến quy hoạch vùng dược liệu Ninh Bình, hướng tới xây dựng thương hiệu, gắn với phát triển du lịch…
Cho ý kiến vào Báo cáo Điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2040, các đại biểu thống nhất cao với sự cần thiết phải điều chỉnh quy hoạch để phù hợp với Nghị quyết số 16, ngày 23/8/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023-2030, phát huy giá trị nổi bật, riêng có về văn hóa-lịch sử của con người, vùng đất Cố đô Hoa Lư và giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An; phù hợp với thực tiễn. Điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2040 được thực hiện trên cơ sở kế thừa Quy hoạch chung năm 2014 và 2016, cập nhật nghiên cứu của các quy hoạch phân khu, các quan điểm chỉ đạo của tỉnh. Đô thị Ninh Bình hướng tới mục tiêu là Đô thị Di sản – trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái, văn hóa cấp vùng Đồng bằng sông Hồng, có tầm quốc tế, có môi trường sống hấp dẫn và phát triển bền vững, được quy hoạch với đặc trưng là Đô thị gắn với Di sản Tràng An, không gian đô thị được phát triển theo cấu trúc 5 cực phát triển tập trung, kiểm soát chặt chẽ tầng cao công trình theo trật tự không gian, chức năng của từng khu vực…
Các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến vào một số nội dung điều chỉnh gồm: Phạm vi, ranh giới, quy mô và thời hạn lập quy hoạch; dự báo phát triển dân số, chỉ tiêu phát triển kinh tế kỹ thuật, mô hình cấu trúc đô thị; phân khu phát triển; xác định các ranh giới bảo tồn, bảo vệ di tích; không gian xây dựng cao tầng; không gian sử dụng đất; không gian xanh, mặt nước… Đồng thời đề nghị nghiên cứu bổ sung các công trình văn hóa mang biểu tượng của tỉnh gắn với xây dựng công nghiệp văn hóa và các trung tâm tổ chức các sự kiện tầm quốc gia, quốc tế; quan tâm xây dựng vùng sản xuất dược liệu của tỉnh.
Cũng tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến vào Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình-Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Ninh Bình. Theo đó, Dự án được thiết kế theo quy mô đường cao tốc 4 làn xe, vận tốc thiết kế 120km/h, thời gian thực hiện từ năm 2023 đến năm 2028. Các công trình trên tuyến gồm các nút giao liên thông, cầu trên tuyến, cầu vượt ngang, hầm dân sinh, đường gom, giao cắt hệ thống kênh mương thủy lợi. Đồng tình cao với các nội dung báo cáo, các đại biểu cũng đề nghị quan tâm hơn đến nhu cầu sử dụng đất, công tác giải phóng mặt bằng…
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn đánh giá cao quá trình lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng công phu, kỹ lưỡng, khoa học của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh và các sở, ban, ngành đối với Báo cáo Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2040 và Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình-Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Ninh Bình.
Lưu ý về Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đồng chí đề nghị cần làm rõ hơn mục tiêu chung, trong đó chú ý làm nổi bật vị trí, chức năng lãnh thổ, thống nhất về tầm nhìn gắn với mục tiêu dài hạn, trung hạn; khơi dậy, kết nối và giải phóng các nguồn lực. Đồng thời đề nghị cập nhật bổ sung số liệu tỷ lệ đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới nâng cao. Đặc biệt, cập nhật các quy hoạch đang được xây dựng. Đối với quy hoạch ngành, lĩnh vực cần lấy ý kiến các chuyên gia.
Ghi nhận, đánh giá cao ý kiến phát biểu của đại biểu tại hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy giao Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tiếp thu, hoàn chỉnh các nội dung để báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.
Mai Lan-Đức Lam