Để làm rõ hơn chuyên đề “Các nội dung về xây dựng, quản trị, vận hành Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo và thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hội nhập quốc tế tại Ninh Bình”, hội thảo tiếp tục thảo luận bàn tròn chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn và gợi mở các giải pháp để Ninh Bình trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo quốc tế.
Đồng chí Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy và ông Nguyễn Thanh Việt, Chủ tịch HĐQT Intracom Group chủ trì phiên thảo luận.
Cùng tham dự phiên thảo luận có các ông: Kiều Công Thược, Chủ tịch Quỹ Khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam; Hoàng Nam Tiến, Phó Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT; Nguyễn Tử Quảng, Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ BKAV; Ngô Vĩnh Bạch Dương, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật, Viện Nhà nước và Pháp luật; TS. Vũ Việt Anh, Chủ tịch Học viện Thành công.
Điều hành tại phiên thảo luận bàn tròn, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn đã đánh giá lại những nội dung tham luận của các đại biểu. Đồng chí dành sự quan tâm đối với ý kiến của Nhà thiết kế Minh Hạnh khi đề cập đến “mô hình làng nghề ở Ninh Bình”, các thách thức đứt gãy giá trị của các làng nghề truyền thống, gợi mở mô hình chuyển đổi từ hộ gia đình sang mô hình kinh doanh tạo dư địa cho khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trên các giá trị văn hóa truyền thống. Từ di sản làng nghề, sản phẩm nghề truyền thống có thể phát triển thành một ngành công nghiệp văn hóa phục vụ du lịch trải nghiệm với những định hướng trở thành “công viên hóa di sản”, “bảo tàng hóa di sản”, “phim trường hóa di sản”, “di sản hóa các phế tích”.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng gợi mở một số nội dung để các đại biểu thảo luận xung quanh các vấn đề nguồn nhân lực, sản phẩm sáng tạo, phương thức vận hành Trung tâm khởi nghiệp.
Trên cơ sở những nội dung gợi mở, các đại biểu tập trung phân tích, làm rõ quan niệm, con đường, hướng đi để xây dựng, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Ninh Bình. Các đại biểu cho rằng, vấn đề Trung tâm đổi mới sáng tạo đã được hình thành tại nhiều địa phương trong cả nước nhưng không phải nơi nào cũng thành công. Vì vậy, Ninh Bình cần chọn hướng đi như thế nào để phát huy được hiệu quả cao nhất. Nhiều quan điểm thống nhất trước tiên tỉnh phải có tư duy mở trong tiếp cận vấn đề này; đi kèm với đó là các cơ chế, chính sách khác biệt để thu hút đội ngũ Startup, các doanh nghiệp kể cả trong nước và quốc tế. Về nhân lực, cần chú trọng hợp tác với các trường đại học, các viện nghiên cứu để đào tạo con người, trao đổi kiến thức, hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, nhanh chóng tạo ra một lực lượng am hiểu về đổi mới sáng tạo để sẵn sàng đón nhận các dự án, các cơ hội thị trường mới về với Ninh Bình.
Các đại biểu cũng thảo luận xung quanh câu chuyện thể chế, việc hỗ trợ startup… Đồng thời đưa ra các gợi ý về những công nghệ liên quan đến môi trường, các sản phẩm làng nghề, áp dụng các ý tưởng sáng tạo, công nghệ mới trong phát triển du lịch.
Dưới góc nhìn công nghệ, có đại biểu cho rằng trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo chúng ta hoàn toàn số hóa được các giá trị di sản khác biệt, văn hóa bản địa, các họa tiết, hình ảnh… của Ninh Bình để quảng bá rộng rãi hơn đến đông đảo công chúng, có như vậy thì mới có được những khởi nghiệp đột phá mang tính chất toàn cầu.
Một số ý kiến cũng đề xuất, Ninh Bình là cái nôi của rất nhiều làng nghề truyền thống, đây là cơ sở, nền tảng cho việc khởi nghiệp sáng tạo. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất hiện nay là định vị được chân dung khách hàng, để phát triển được các sản phẩm phù hợp. Phải kết hợp giữa làng nghề với các hoạt động du lịch, các trải nghiệm, các show diễn, ở đây cần có sự gắn kết hỗ trợ của chính quyền đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp để tạo thành những điểm nhấn cho địa phương.
Phát biểu tổng kết phiên thảo luận bàn tròn, đồng chí Đoàn Minh Huấn, Bí thư Tỉnh ủy đã ghi nhận, đánh giá cao những ý kiến của đại biểu làm rõ hơn khái niệm, quan điểm, quan niệm về đổi mới, sáng tạo, con đường mà Ninh Bình lựa chọn trở thành Trung tâm khởi nghiệp quốc tế. Trên cơ sở phân tích những mô hình đổi mới, sáng tạo ở Việt Nam và thế giới, những lợi thế căn bản, riêng có của Ninh Bình đó là sở hữu “di sản kép” Quần thể danh thắng Tràng An và giá trị đặc biệt của Cố đô Hoa Lư với di sản đồ sộ, dày đặc, phong phú đã tạo cho Ninh Bình cơ hội để phát triển ngành công nghiệp văn hóa gắn với kinh tế đổi mới sáng tạo.
Thực tế Ninh Bình đang có những bước đi bài bản, định hướng rõ ràng về con đường lựa chọn trở thành Trung tâm sáng tạo ngoài trời dựa trên những giá trị về cảnh quan, thiên nhiên, văn hóa, lịch sử và một nền kinh tế hỗn hợp; bước đầu tỉnh đã chuyển ngưỡng từ du lịch quảng canh sang công nghiệp văn hóa.
Đồng chí cũng phân tích những khó khăn, trở ngại, mối liên hệ khi xây dựng công nghiệp văn hóa gắn với đổi mới sáng tạo dựa trên các điều kiện thực tiễn của Ninh Bình. Chính vì vậy, hội thảo này không chỉ là câu chuyện về hội thảo khoa học với những kinh nghiệm và chiến lược chính sách để hình thành một Trung tâm đổi mới sáng tạo mà hàm ý trong đó là về thu hút các nguồn lực đầu tư trên cơ sở những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh với phương châm: “Tự hào vì di sản, đi lên từ di sản, phồn vinh từ di sản”.
Các đại biểu dự hội thảo sẽ tiếp tục với phiên thảo luận chuyên đề “Các nội dung chuyên sâu về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên một số lĩnh vực”.
Báo Ninh Bình sẽ tiếp tục cập nhật nội dung của hội thảo.
Song Nguyễn – Anh Tuấn
Nguồn: https://baoninhbinh.org.vn/goi-mo-con-duong-huong-di-de-xay-dung-thuc-day-phat-trien-he/d20240929135049572.htm