Ngày 25/6/2014, Quần thể danh thắng Tràng An được tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, di sản hỗn hợp đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á. Điều này có ý nghĩa đánh dấu mốc quan trọng để Ninh Bình “khắc” tên mình trên bản đồ du lịch thế giới và là điểm đến hấp dẫn nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố của Việt Nam do các chuyên trang du lịch quốc tế bình chọn.
Việc Tràng An được UNESCO vinh danh đã mang lại cho du lịch Ninh Bình một cơ hội và một diện mạo mới. Trên thế giới ước tính một di sản được UNESCO công nhận tương đương với 500 triệu USD quảng bá và kích cầu du lịch, từ đây Quần thể danh thắng Tràng An nói riêng và du lịch Ninh Bình nói chung đã có tên trên bản đồ du lịch thế giới.
Với các giá trị nổi bật toàn cầu về văn hóa, vẻ đẹp thẩm mỹ và địa chất địa mạo, hoạt động du lịch tại Quần thể danh thắng Tràng An đã phát triển nhanh chóng qua từng năm.
Đồng chí Nguyễn Cao Tấn, Phó Giám đốc Sở Du lịch khẳng định: Quần thể danh thắng Tràng An trở thành Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới đã tạo ra động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển ngành Du lịch, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từ nông nghiệp sang dịch vụ, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
Giai đoạn 2010 – 2019, cùng với sự tăng trưởng của dòng khách du lịch đến Ninh Bình, tốc độ tăng trưởng bình quân năm về khách du lịch đạt 13,11%. Riêng Quần thể danh thắng Tràng An đón trên 6,3 triệu lượt khách, số lao động trực tiếp đạt trên 10 nghìn người, lao động gián tiếp đạt 20 nghìn người.
Cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch nhanh từ nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp sang dịch vụ. Hoạt động nông nghiệp chỉ chiếm hơn 15% trong cơ cấu kinh tế địa phương. Nhiều hộ gia đình trước đây chỉ sống bằng nghề trồng trọt và chăn nuôi nay đã chuyển sang cung cấp các dịch vụ gắn với du lịch với nhiều nghề như: chèo thuyền, bán hàng lưu niệm, chụp ảnh, thuyết minh viên, nhân viên làm việc nhà hàng, khách sạn, kinh doanh lưu trú tại gia, bảo vệ…
Hầu hết người dân đều khẳng định du lịch phát triển đã mang lại cơ hội việc làm mới, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện cuộc sống của cộng đồng dân cư địa phương.
Theo Ban Quản lý Quần thể danh thắng Tràng An, thu nhập của dân cư địa phương tại các khu, điểm du lịch tăng dần qua các năm, bình quân đầu người khoảng 5 triệu đồng/tháng.
Kết quả khảo sát cho thấy, tỷ lệ dân cư địa phương hài lòng với sự phát triển du lịch về khía cạnh kinh tế chiếm tới 96%. Sau 2 năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID- 19, du lịch Ninh Bình đã có sự trỗi dậy một cách mạnh mẽ.
Từ đầu năm 2022 đến nay, ngành Du lịch Ninh Bình đón gần 1,8 triệu lượt khách tham quan, đạt gần 205% so cùng kỳ năm 2021. Trong đó, có hơn 18.000 lượt khách quốc tế, đạt gần 145% so cùng kỳ năm 2021. Doanh thu du lịch ước đạt hơn 1.000 tỷ đồng, đạt gần 190% so cùng kỳ năm trước.
Cam kết gìn giữ giá trị toàn cầu của Di sản
Đồng chí Nguyễn Cao Tấn cho biết, thời gian qua, tỉnh Ninh Bình đã có nhiều chương trình, kế hoạch, chiến lược nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản thế giới gắn với phát triển du lịch. Đặc biệt, Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 17/8/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về bảo tồn, phát huy các giá trị Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An đã thực sự đi vào cuộc sống, đạt được những mục tiêu cơ bản đề ra: các giá trị đặc biệt, độc đáo của Quần thể danh thắng Tràng An luôn được quan tâm, bảo tồn, quảng bá đến đông đảo bạn bè trong nước, quốc tế.
Những tiềm năng, thế mạnh của di sản đã được phát huy, đem lại những thay đổi tích cực trong phát triển các ngành dịch vụ, du lịch, thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế của địa phương. Di sản thực sự đóng vai trò là hạt nhân, là trung tâm thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh.
Tuy nhiên, Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An là một di sản “sống”. Đây là nơi sinh sống của trên 44.000 người dân, trong đó vùng lõi có trên 14.000 người, do đó việc quản lý, bảo vệ Di sản và phát triển du lịch luôn đặt ra thách thức lớn, đòi hỏi các cấp, các ngành và mỗi cán bộ, người dân cần nâng cao nhận thức trong việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản Quần thể danh thắng Tràng An.
Để bảo vệ, giữ gìn tính nguyên vẹn và phát huy hiệu quả các giá trị của di sản gắn với phát triển du lịch bền vững, đồng chí Nguyễn Cao Tấn cho biết, thời gian tới tỉnh Ninh Bình sẽ tập trung đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trong quản lý di sản thế giới Quần thể danh thắng Tràng An.
Các đơn vị chức năng tiếp tục kiểm tra, rà soát các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về bảo tồn di sản, từ đó kịp thời điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện cho phù hợp với thực tế, phát triển các hoạt động du lịch một cách bền vững, có trách nhiệm.
Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư, bảo vệ, khai thác hiệu quả giá trị của Di sản Tràng An nói riêng, danh thắng tại Ninh Bình nói chung…với cam kết, mục tiêu cao nhất là quản lý, bảo tồn và giữ gìn các giá trị nổi bật toàn cầu của di sản để trao truyền lại cho các thế hệ mai sau.
Nguồn: https://bvhttdl.gov.vn/gin-giu-phat-huy-gia-tri-di-san-quan-the-danh-thang-trang-an-20220907110645087.htm