Phóng viên (PV): Hiện nay, việc chuẩn bị cho Lễ hội Hoa Lư đã được địa phương chuẩn bị như thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí (Đ/c) Hoàng Ngọc Hòa: Để triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ được giao theo Kế hoạch của Ban tổ chức Lễ hội, UBND huyện đã ban hành các văn bản để triển khai thực hiện. Huyện cũng tổ chức hội nghị ngày 23/3/2024 triển khai công tác tham gia các hoạt động kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng đế (924-2024) và Lễ hội Hoa Lư năm 2024; xây dựng kế hoạch tuyên truyền, triển khai rà soát, xây dựng market, lên phương án thực hiện tuyên truyền trực quan; hướng dẫn các xã, các cơ quan, đơn vị thực hiện tuyên truyền về Lễ hội và Lễ kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng đế; xây dựng chuyên mục tuyên truyền Lễ hội và Lễ kỷ niệm trên hệ thống đài truyền thanh 3 cấp… thông qua đó, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân trong huyện thi đua lao động sản xuất, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp.
Cũng thông qua công tác tuyên truyền để mỗi người dân đều ý thức được đây cũng chính là cơ hội để quảng bá tiềm năng, thế mạnh về kinh tế-xã hội, những nét văn hóa đặc sắc, những danh lam thắng cảnh nổi tiếng về đất và người Cố đô đến đông đảo bạn bè, du khách trong và ngoài nước. Đến thời điểm này, huyện đã cơ bản hoàn tất các phần việc được giao.
Cụ thể, đối với các nhiệm vụ do UBND huyện Hoa Lư chủ trì như: Tổ chức phần Lễ mở cửa đền; Lễ rước nước; Lễ mộc dục; Lễ tiến phẩm; Tế Cửu khúc; Tế lễ cổ truyền của các đoàn nam quan, nữ quan; Lễ tạ. UBND huyện giao UBND xã Trường Yên xây dựng kế hoạch triển khai, phân công nhiệm vụ cụ thể các thành viên, chuẩn bị cơ bản các điều kiện phục vụ Lễ hội. Hướng dẫn kiệu Phủ Đông Vương và Phủ Kình Thiên đảm bảo các điều kiện tham gia Lễ rước kiệu theo đúng kế hoạch. Đối với phần hội gồm: (Tổ tôm điếm, Tổ chức giải bóng chuyền, Thi Kéo chữ Thái Bình và thi diễn tích “Cờ lau tập trận”, thi Chèo thuyền khéo) cũng đã và đang được các địa phương, đơn vị triển khai đảm bảo đúng tiến độ. Đối với các nhiệm vụ tham gia do tỉnh chủ trì như: Tham gia giao lưu văn nghệ quần chúng, thi Thư pháp, thi Cờ tướng, thi Chọi gà; thi Mâm ngũ quả tiến vua. Hội trại Thanh niên… đều đã được triển khai xuống các xã, thị trấn. Các đơn vị cũng đã chuẩn bị rất công phu, sẵn sàng để tham gia theo đúng kế hoạch.
PV: Lễ hội năm nay cũng là dịp kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Vua Đinh Tiên Hoàng. Đồng chí có thể chia sẻ ý nghĩa của sự kiện này đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện nhà?
Đ/c Hoàng Ngọc Hòa: Lễ hội Hoa Lư luôn có vị trí, ý nghĩa, giá trị lịch sử, văn hóa lớn đối với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Hoa Lư. Trước hết, đây là dịp để Nhân dân thể hiện truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” tôn vinh, tưởng niệm, tri ân các vị hoàng đế, anh hùng dân tộc như Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành và các vị quan trong triều đình đã có nhiều công lao với dân với nước.
Lễ hội Hoa Lư cũng là nơi diễn ra sinh hoạt văn hóa chung của cả cộng đồng, là dịp để mỗi người gửi gắm ước mong, tâm nguyện cầu cho quốc thái, dân an, mưa thuận gió hòa, gia đình, làng xóm, quê hương an vui, hạnh phúc. Thông qua hoạt động của lễ hội nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, thương nòi, lòng tự hào, tự tôn dân tộc cho các thế hệ người dân Việt Nam để từ đó đoàn kết một lòng viết tiếp những trang sử vẻ vang của dân tộc trong thời đại ngày nay…
Hiện nay, xu hướng du lịch sinh thái gắn với du lịch tín ngưỡng tâm linh đang được thịnh hành. Thông qua các hoạt động du lịch tâm linh, hoạt động văn hóa lễ hội góp phần nâng cao nhận thức của du khách và cộng động về việc gìn giữ, bảo vệ và phát huy các di sản văn hóa của dân tộc. Lễ hội Hoa Lư năm nay được tổ chức gắn với các hoạt động kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh của vua Đinh Tiên Hoàng nên quy mô lễ hội được nâng lên.
Theo đó, lễ khai mạc Lễ hội năm nay cũng chính là chương trình kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và dự kiến có màn bắn pháo hoa tầm thấp, có rất nhiều hoạt động phong phú, mang đậm nét văn hóa truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc như: Hội thi chèo thuyền khéo, thi thư pháp, các trò chơi dân gian như: Tổ tôm điếm, chọi gà, cờ người, thi “Kéo chữ Thái Bình” và “Cờ lau tập trận”…
Điểm nhấn tạo nên các giá trị văn hóa tốt đẹp tại Lễ hội Hoa Lư là bất cứ hoạt động nào cũng đều có sự tham gia tích cực của người dân. Từ các màn tế lễ đều do các bậc cao niên thực hiện, hay như màn rước kiệu với sự tham gia của đông đảo dân cư của nhiều xã; Hội thi chèo thuyền khéo được thực hiện bởi những người dân các xã trên địa bàn huyện với kỹ năng sử dụng thuyền được sinh ra chính từ trong nhu cầu sinh hoạt. Một điểm mới trong Lễ hội năm nay đó là UBND huyện đã đề xuất với Ban tổ chức Lễ hội quy hoạch vị trí bán hàng trong sân Lễ hội, nếu được phê duyệt theo đề xuất sẽ giúp Lễ hội thu hút và giữ chân du khách tham gia.
PV: Những giá trị nổi bật của lễ hội Hoa Lư được địa phương nâng niu, gìn giữ như thế nào trong những năm qua, thưa đồng chí?
Đ/c Hoàng Ngọc Hòa: Lễ hội Hoa Lư có giá trị lịch sử, văn hóa sâu sắc, góp phần quan trọng vào việc giáo dục lòng tự hào, tự tôn dân tộc cho các thế hệ hôm nay. Từ những giá trị to lớn của lễ hội mà công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa lễ hội Hoa Lư là một việc làm hết sức cần thiết hiện nay và mai sau. Công tác bảo tồn và phát huy lễ hội Hoa Lư trong những năm qua đã được đảng bộ và chính quyền địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, phát triển theo hướng văn hóa, văn minh, đậm đà bản sắc dân tộc. Với mục tiêu chung là gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa một cách bền vững, tạo nguồn lực để phát triển du lịch địa phương.
Ví dụ như nghi lễ Tế Cửu khúc từng bị thất truyền từ lâu đã được phục dựng lại từ năm 2017 và thực hành mỗi dịp tổ chức lễ hội; các trò chơi dân gian như kéo chữ Thái Bình, diễn tích Cờ lau tập trận được khôi phục từ năm 2018. Bên cạnh đó, các trò chơi dân gian như cờ người, chọi gà tổ tôm điếm được quan tâm tổ chức thường xuyên và mở rộng về quy mô, đối tượng tham gia.
Với những nỗ lực đó, đã góp phần quan trọng vào việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, thúc đẩy phát triển các ngành dịch vụ và du lịch ở địa phương. Cùng với đó, huyện cũng đã đẩy mạnh việc xây dựng nếp sống văn hóa lễ hội, trong đó tập trung vào các nội dung như: tuyên truyền cho du khách hiểu về các giá trị di sản văn hóa của các danh nhân và di tích; có thái độ trân trọng khi tham quan, hành lễ và tham gia hội; chấp hành pháp luật, nội quy, quy chế sinh hoạt lễ hội; giữ gìn vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, phòng, chống dịch bệnh; phòng chống các hiện tượng mê tín dị đoan…
PV: Tự hào là nơi diễn ra lễ hội, vậy việc đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm… đã được địa phương chuẩn bị như thế nào để góp phần vào thành công của sự kiện ý nghĩa này?
Đ/c Hoàng Ngọc Hòa: Lễ hội Hoa Lư là dịp về nguồn nhiều ý nghĩa của con em địa phương, du khách thập phương. Để lễ hội được diễn ra an toàn và thành công, UBND huyện đã chỉ đạo cho các cơ quan chuyên môn tăng cường quản lý về cơ sở vật chất, công tác đảm bảo VSMT, vệ sinh ATTP và an ninh, an toàn, phòng cháy chữa cháy đối với các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn huyện. UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 53/ KH-UBND ngày 18/3/2024 về đảm bảo môi trường trước, trong và sau Lễ hội Hoa Lư; chỉ đạo Trung tâm Vệ sinh Môi Trường & Đô thị huyện thực hiện xong công tác cắt tỉa, chỉnh trang cây xanh tại tuyến đường 1A đoạn từ cầu gián khẩu đến ngã 3 Cầu huyện; đoạn từ Ngã 3 Bà Lốc đến cầu Ghềnh tháp, đoạn đường rước nước từ UBND xã Trường Yên đến sông Hoàng Long; dọn vệ sinh mặt nước trên sông Sào Khê.
Phân công nhiệm vụ cho Công an huyện, Ban Chỉ huy quân sự huyện xây dựng phương án đảm bảo an ninh trật tự, công tác phòng chống tội phạm, chuẩn bị các phương tiện, cơ sở vật chất, lực lượng để thực hiện nhiệm vụ được giao. Phân công cho trung tâm y tế huyện xây dựng kế hoạch, kiểm tra an toàn VSTP trước, trong và sau lễ hội…
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Đào Hằng (thực hiện)