Ngày 17/6, Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức hội nghị trực tuyến Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến kết nối với 28 tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương và các Bộ, ban, ngành Trung ương. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác IUU chủ trì hội nghị.
Chủ trì tại điểm cầu Ninh Bình có đồng chí Trần Song Tùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; cùng dự có lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan.
Sau gần 7 năm (kể từ ngày 23/10/2017) thực hiện nhiệm vụ gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC); thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư, Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 22/4/2024 của Chính phủ, các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và qua 4 đợt thanh tra của EC, đến nay, tình hình chống khai thác IUU đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.
Nổi bật là khung pháp lý đã được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu chống khai thác IUU theo khuyến nghị của EC. Trong đó, mới đây nhất, Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP ngày 12/6/2024 Hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản.
Về việc quản lý đội tàu, đến nay, Việt Nam đã rà soát, thống kê cơ bản nắm được tổng số tàu cá.
Hiện, cả nước có 86.820 chiếc, duy trì không tăng số lượng tàu cá để phù hợp với trữ lượng nguồn lợi thủy sản hiện có. 98,25% tàu cá từ 15m trở lên đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.
Việc truy xuất nguồn gốc hải sản khai thác đã được thực hiện chặt chẽ hơn. Đã tổ chức triển khai thí điểm hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác điện tử (eCDT) tại các cảng cá.
Công tác thực thi pháp luật, xử lý các hành vi vi phạm khai thác IUU đã được tăng cường hơn trước. Cụ thể, đã đưa ra khởi tố 4 vụ việc liên quan đến môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực nhưng thực tế vẫn còn một số nhiệm vụ chuyển biến rất chậm, chưa đáp ứng yêu cầu theo khuyến nghị của EC.
Cụ thể như: Chưa ngăn chặn, chấm dứt được tình trạng tàu cá, ngư dân Việt Nam vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Tính từ sau đợt thanh tra lần thứ 4 của EC (tháng 10/2023) đến nay tiếp tục xảy ra 61 tàu/461 ngư dân bị các nước Ma-lai-xi-a, Thái Lan, In-đô-nê-xi-a bắt giữ, xử lý.
Đặc biệt, gần đây, nổi cộm lên tình trạng sử dụng tàu cá có chiều dài dưới 15m để vi phạm; cố tình ngắt thiết bị giám sát hành trình (VMS) khi hoạt động gần khu vực vùng biển giáp ranh với các nước; gửi thiết bị VMS trên tàu cá khác…
Ngoài ra, hiện cả nước còn trên 17.000 tàu cá “3 không”; tình trạng tàu cá mua bán, sang tên đổi chủ giữa các địa phương kiểm soát chưa chặt chẽ. Công tác truy xuất nguồn gốc vẫn còn hạn chế, chưa đảm bảo chứng minh được tính minh bạch, hợp pháp của sản phẩm thủy sản khai thác.
Đối với Ninh Bình, toàn tỉnh có 68 tàu cá khai thác hải sản. 100% số tàu đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký, cấp giấy phép khai thác và hoàn thành việc đánh dấu tàu cá theo quy định.
Trong đó có 8 tàu cá có chiều dài trên 15m khai thác xa bờ (hiện chỉ còn 6 tàu đang hoạt động) đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Hiện, tỉnh không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, vi phạm quy định về khu vực, vùng cấm khai thác.
Tuy nhiên, khó khăn của Ninh Bình là các tàu cá chủ yếu là tàu nhỏ, hoạt động vùng lộng và vùng ven bờ, neo đậu tại các luồng lạch (do không có cảng cá) nên việc quản lý các tàu này còn gặp khó khăn.
Tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương, bộ, ngành đã thảo luận, chỉ rõ những tồn tại, nguyên nhân và đề xuất các giải pháp quản lý đội tàu cá, quản lý việc truy xuất nguồn gốc hải sản khai thác đối với các lô hàng xuất khẩu sang thị trường EU.
Theo đó, nhiều đại biểu đề nghị trong thời gian tới cần tuyên truyền, vận động, đồng thời theo dõi, kiểm soát ngăn chặn, xử lý kịp thời ngay từ trong bờ và trên biển, tiến tới chấm dứt tình trạng vi phạm; thực hiện nghiêm việc quản lý đội tàu, xử lý dứt điểm tàu cá “3 không”; theo dõi, giám sát chặt chẽ tàu cá tham gia hoạt động khai thác hải sản; giám sát sản lượng hải sản khai thác tại địa phương, xác nhận, chứng nhận truy xuất nguồn gốc hải sản và kiên quyết xử lý nghiêm, không có trường hợp ngoại lệ đối với các hành vi khai thác IUU.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết dứt điểm các tồn tại, hạn chế theo khuyến nghị của EC tại đợt thanh tra lần thứ 4, thực hiện mục tiêu “gỡ thẻ vàng” theo chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và PTNT.
Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP, ngày 12/6/2024 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao về Hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản để giải quyết dứt điểm các trường hợp vi phạm.
Tăng cường quản lý, giám sát đội tàu, truy xuất nguồn gốc hải sản khai thác.
Cùng với đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang yêu cầu các địa phương bố trí tối đa lực lượng, phương tiện thực hiện cao điểm thực thi pháp luật, tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, giám sát hoạt động tàu cá trên biển, tàu cá ra vào cảng, xuất nhập bến bảo đảm tuân thủ đầy đủ theo quy định chống khai thác IUU.
Khẩn trương rà soát, xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm, đảm bảo có kết quả, số liệu cụ thể để làm việc với Đoàn Thanh tra của EC lần thứ 5.
Nguyễn Lựu-Minh Đường