Do ảnh hưởng của mưa bão, nguồn cung rau xanh trên thị trường phía Bắc đang bị thiếu hụt. Bà con nông dân có thể tận dụng cơ hội này để đẩy mạnh sản xuất, tăng thu nhập.
Những thiệt hại do trận bão lịch sử Yagi và mưa lũ sau đó đã gây ra đối với sản xuất nông nghiệp ở các tỉnh phía Bắc là vô cùng lớn. Trong đó, rất nhiều vùng trồng rau màu lớn bị ngập úng, hư hại nặng nề và dự kiến sẽ phải mất không ít thời gian để khôi phục. Điều này khiến nguồn cung rau trên thị trường bị thiếu hụt, giá các loại rau xanh tăng cao hơn so với mức bình thường.
Với Ninh Bình, tuy cũng chịu ảnh hưởng ít nhiều của mưa bão nhưng mức độ thiệt hại không lớn. Do vậy, những ngày này, nhiều vùng trồng rau trọng điểm như xã Yên Quang (huyện Nho Quan); thị trấn Yên Ninh, các xã Khánh Hồng, Khánh Hải (huyện Yên Khánh); xã Khánh Dương, Yên Thắng (huyện Yên Mô)…, các HTX, bà con nông dân đang tích cực chăm sóc, phục hồi diện tích rau hiện có, xuống giống thêm các lứa rau mới nhằm có nguồn rau cung ứng cho thị trường và tăng thu nhập.
Chúng tôi có mặt tại cánh đồng màu giáp đền Hạ (xã Khánh Dương, huyện Yên Mô), nếu như thời điểm này mọi năm ở đây phủ kín bởi màu xanh của các loại rau vụ đông thì năm nay do thời tiết liên tục có mưa, gây khó khăn cho sản xuất. Ngoài rau muống, những cây trồng còn lại như: bí đỏ, cải, ngô ngọt… mặc dù đã bà con trồng cách đây cả tháng nay nhưng không thể lên nổi, cây nào cây ấy dập nát, lấm lem bùn đất. Thậm chí nhiều thửa ruộng bà con còn chưa thể xuống giống.
Vừa vội vã kéo tấm nilon che kín luống rau giống khi thấy mây đen kéo kín trời, ông Đinh Văn Thế (xóm 4) vừa chia sẻ với chúng tôi: Gắn bó với nghề trồng rau hơn 20 năm nay nhưng ông chưa thấy năm nào sản xuất khó khăn như năm nay, mưa triền miên. Tuy nhiên, bản thân ông vẫn luôn cố gắng khắc phục, chủ động ứng phó với thời tiết bằng cách lên luống cao, che phủ nilon, lưới… Chỗ rau giống này, ông giữ được qua đợt mưa bão số 3 đã là rất thành công. Ông dự tính vài ba hôm nữa khi trời tạnh ráo ông sẽ nhân ra thành 4 sào rau thương phẩm.
Cũng theo ông Thế, do các giống su hào, súp lơ mà ông chọn đều là những giống cao sản, ngắn ngày, chất lượng cao nên chỉ cần hơn 1 tháng sau là đã có rau để cung cấp ra thị trường.
“Cả năm trông vào mỗi vụ cây Đông mà cây Đông thất bại thì đến Tết không có tiền tiêu, như năm ngoái 7 sào rau gia đình tôi thu về hơn 70 triệu đồng. Năm nay thời tiết khó khăn hơn nhưng nếu vẫn duy trì được sản xuất thì tôi tin thu nhập còn cao hơn nữa” – ông Thế nói.
Cùng với Khánh Dương, những ngày này tại vùng chuyên canh rau của HTX Vân Trà (xã Yên Thắng), nông dân cũng đang chủ động nhiều giải pháp khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất. Ông Nguyễn Văn Trường, Phó Giám đốc HTX Vân Trà cho biết: Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, chúng tôi đã thực hiện nhiều giải pháp linh hoạt để ứng phó. Trong đó có đảm bảo việc bơm tiêu nước, lựa chọn các giống rau phù hợp chống chịu tốt với mưa úng như: rau muống, rau má…
Đối với những cây khó trồng, dễ bị úng dập thì bà con thực hiện che lưới, che nilon. Nhờ vậy, đến nay không ghi nhận diện tích rau nào của HTX bị ngập úng, mất trắng, mỗi ngày HTX vẫn cung ứng ra thị trường 2-3 tấn rau. Nhờ giá tăng nên nhiều gia đình thu lãi 7-15 triệu đồng/sào rau.
Hiện nay, HTX tiếp tục hướng dẫn, khuyến khích bà con tận dụng những chân ruộng thoát được nước, tranh thủ làm đất, mở rộng diện tích. Trong đó, ưu tiên các giống rau củ có đặc tính sinh trưởng tốt và thời gian sinh trưởng ngắn để kịp thời đáp ứng nguồn cung đang thiếu hụt hiện nay.
Song song với sản xuất rau màu đại trà, ngoài trời, để chủ động sản xuất trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, hiện nay, không ít nông dân đã chủ động đầu tư nhà kính, nhà lưới để trồng rau. Như gia đình ông Dương Văn Hiền, xóm 1, xã Khánh Thịnh, Yên Mô, có 2.600 m2 nhà lưới. Những ngày này, khi nhiều nơi sản xuất bị ngưng trệ thì ông vẫn đang trồng rau, hoa bình thường. Ông Hiền chia sẻ: Mùa này, trồng cây trong nhà lưới thì vô cùng yên tâm, không lo mưa, không lo dập úng, sâu bệnh. Hiện nay, gia đình đang khẩn trương xuống giống ớt chuông và dưa chuột để kịp thời đáp ứng nhu cầu thị trường giai đoạn giao mùa.
Theo kế hoạch, vụ Đông năm nay, toàn tỉnh gieo trồng trên 7 nghìn ha, song để khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra, đảm bảo tăng trưởng của ngành Nông nghiệp trong năm 2024 và ổn định nguồn cung nông sản, thực phẩm cho thị trường dịp cuối năm, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị các địa phương căn cứ tình hình thực tế, tăng diện tích cây trồng vụ động lên, trong đó đẩy mạnh phát triển các cây trồng gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên diện tích canh tác.
Ông Phạm Hồng Sơn, Phó phòng Kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông tỉnh khuyến cáo: Dự báo trong thời gian tới, thời tiết vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, do vậy bà con phải theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết trước khi quyết định xuống giống. Cần phải lên luống cao, đảm bảo thoát nước, song song với đó nên sử dụng các vật liệu để che chắn mặt luống như nilon, rơm rạ, thân cây lạc, đậu để đảm bảo sức sống của cây giống. Đặc biệt, thay vì gieo hạt trực tiếp, bà con nên gieo trong bầu, vườn ươm trước, sau đó mới đưa ra ruộng để đảm bảo thời vụ, cũng như năng suất.
Đối với rau ăn lá, trong điều kiện bình thường sau 20 ngày có thể cho thu hoạch. Vì vậy, bà con nên tận dụng những chân ruộng đã thoát được nước, tranh thủ làm đất và gieo hạt sớm, cùng với đó cần tính toán với nhu cầu thị trường, đặc biệt là các loại rau, củ, quả phục vụ cho Tết Nguyên đán sắp tới, giúp tăng thu nhập.
Nguyễn Lựu
Nguồn: https://baoninhbinh.org.vn/gia-tang-san-xuat-dam-bao-nguon-cung-rau-xanh-sau-mua-bao/d202409221134100.htm