Những năm gần đây, xã Gia Lâm (Nho Quan) được nhiều người biết đến như “thủ phủ” của hoa, cây cảnh khi nhiều hộ dân địa phương đã chọn việc trồng đào, trồng hoa làm hướng phát triển kinh tế gia đình, mang lại hiệu quả cao.
Mặc dù còn mấy tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán 2024 nhưng tại những hộ trồng hoa, cây cảnh trên địa bàn xã Gia Lâm hàng ngày đã có nhiều người đến đặt mua cây.
Anh Vũ Quang Hưng (thành phố Ninh Bình) cho biết: Nhiều năm trước, tôi thường nhập hoa tại Hà Nội và Nam Định. Mấy năm nay biết được xã Gia Lâm có nguồn cung cấp hoa, cây cảnh nhiều nên tôi đã tìm đến để tham khảo, đặt cọc mua cây đào, hoa cảnh, chủ động nguồn hàng bán dịp Tết Nguyên đán. Tôi thấy nguồn hàng ở đây đa dạng về chủng loại, người buôn hoa, cây cảnh cũng dễ lựa chọn hàng theo thị hiếu người tiêu dùng.
Những năm gần đây, cây đào Tết trồng trên đất Gia Lâm đang được người tiêu dùng lựa chọn bởi chất lượng hoa đẹp, giá cả phải chăng. Anh Bùi Hoàng Việt, thôn 3, xã Gia Lâm – hộ trồng đào Tết cho biết: Nhận thấy cây đào Tết phù hợp với chất đất của địa phương, hơn 6 năm trước, tôi đã mạnh dạn trồng thử nghiệm hàng trăm cây đào nhỏ, bước đầu cho hiệu quả kinh tế khá hơn so với trồng rau màu.
Nắm bắt thị hiếu của khách hàng thích chơi gốc đào rừng to, nhiều hoa, năm 2022, tôi đã đưa vào trồng thử nghiệm 100 gốc đào rừng, thân to. Trong quá trình chăm sóc cây, tôi học tập kinh nghiệm của các hộ trồng đào rừng tại các tỉnh, thành phố; nghiên cứu qua mạng, qua sách báo để chủ động chăm sóc, tuốt lá, phòng trừ sâu bệnh, điều chỉnh cho đào nở hoa đúng dịp Tết, phù hợp với thời tiết, khí hậu. Hiện nay, tôi duy trì trồng trên 100 gốc đào rừng và 200 gốc đào nhỏ phục vụ đa dạng nhu cầu của khách hàng. Vườn đào của tôi được khách trong và ngoài tỉnh đến đặt mua. Mỗi cây đào được bán từ vài trăm nghìn đến hơn chục triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm tôi có thu nhập gần 300 triệu đồng từ việc trồng đào.
Đối với xã Gia Lâm, trồng hoa, cây cảnh đang là thế mạnh của địa phương trong phát triển kinh tế. Anh Bùi Văn Cử, thôn 4, xã Gia Lâm – hộ trồng hoa, cây cảnh cho biết: Năm 2015, thực hiện phong trào “dồn điền đổi thửa” của xã, tôi đã mạnh dạn thầu đất của nhân dân thực hiện mô hình kinh tế gia đình với diện tích trên 5.000 m2. Chọn trồng hoa, cây cảnh làm hướng phát triển kinh tế của gia đình, tôi đã học hỏi kỹ thuật trồng các loại hoa, đầu tư trồng hoa giấy, mẫu đơn, hồng, đào tết, ươm cây vú sữa… với trên 3.500 cây các loại, trong đó có trên 2.000 cây đào.
Nguồn cây cảnh tôi chọn mua ở các tỉnh, thành trong cả nước, trong đó có hàng chục cây hoa giấy, hoa hồng cổ có giá trị kinh tế cao, từ vài chục triệu đồng đến 100 triệu đồng. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, mô hình này cho gia đình tôi thu nhập khoảng 500 triệu đồng. Với mong muốn mở rộng diện tích, nâng cao thu nhập, tôi đăng ký tham gia Hợp tác xã trồng hoa, cây cảnh của xã để được chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh với các hộ khác.
Theo lãnh đạo Hội Nông dân xã Gia Lâm, trong quá trình xây dựng xã đạt nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, cấp ủy, chính quyền xã đặc biệt quan tâm đẩy mạnh phát triển các mô hình kinh tế mũi nhọn, cho hiệu quả kinh tế cao. Phát huy lợi thế của địa phương với diện tích đất nông nghiệp lớn, các hộ dân đã tìm tòi, sáng tạo đưa nghề trồng hoa, cây cảnh phát triển. Về phía các cấp Hội cũng đã kịp thời quan tâm hỗ trợ hội viên nông dân vay vốn; tổ chức các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên nông dân; quan tâm xây dựng các mô hình tổ hợp tác nhằm tạo chuỗi liên kết trong sản xuất, kinh doanh, mang lại giá trị ổn định.
Đến nay, xã Gia Lâm có 3 tổ hợp tác (gồm tổ hợp tác trồng hoa, cây cảnh với 29 thành viên; tổ hợp tác trồng đào công nghệ cao gồm 60 thành viên; tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản gồm 18 thành viên). Thu nhập bình quân của các thành viên các tổ hợp tác đạt khoảng 100 triệu đồng/năm trở lên.
Hiệu quả kinh tế từ trồng hoa, cây cảnh đã khẳng định sự thành công trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn xã Gia Lâm.
Bài, ảnh: Tiến Minh