Có một bức tranh trong lòng di sản
Điểm ấn tượng đầu tiên của Festival Ninh Bình-Tràng An lần thứ II đó là chương trình khai mạc làm mãn nhãn người xem. Không phải là một sân khấu theo fomat thông thường mà thay vào đó, được dàn dựng công phu như một vở diễn thực cảnh lần đầu tiên được tổ chức trong không gian huyền ảo của Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An. Các yếu tố của sông, núi, âm nhạc, ánh sáng, công nghệ trình chiếu mapping cùng nghệ thuật múa đương đại, những màn khinh công chạy trong nước, vẽ thư pháp bằng nghệ thuật múa… được hòa quyện, tạo thành mọt bức tranh thủy mặc tuyệt đẹp, kể câu chuyện về lịch sử, văn hóa của vùng đất Cố đô Ninh Bình và tinh hoa sắc màu văn hóa các vùng, miền dọc theo chiều dài đất nước.
Tổng đạo diễn chương trình, NSUT Nguyễn Thị Thanh Hằng cho biết: Chúng ta đã nghe nói nhiều về sân khấu thực cảnh. Ở nhiều địa phương cũng đã làm sân khấu thực cảnh cho các chương trình lớn, nhưng đó vẫn chưa phải là sân khấu thực cảnh hoàn toàn. Ở Ninh Bình lại là câu chuyện khác. Ekip đã tận dụng lợi thế về vẻ đẹp của non nước hữu tình, cảnh sắc thiên nhiên và sự độc đáo của di sản để thiết kế một sân khấu rộng tới hàng ngàn m2, một sân khấu thực cảnh thực sự, có sự khác biệt và tiếp cận gần hơn với thế giới. Sân khấu không còn những câu chuyện về sắt thép, kết cấu kỹ thuật nữa.
Toàn bộ chất liệu để trang trí sân khấu đều từ thiên nhiên như: sử dụng cây cỏ tự nhiên làm cảnh trí; sử dụng ánh sáng và công nghệ trình chiếu bằng máy chiếu mapping lên núi đá…, vì vậy, người xem không còn cảm thấy đây là một sân khấu, mà thay vào đó là một bức tranh khổng lồ tuyệt đẹp, là sự giao thoa, hòa quyện giữa thiên nhiên, con người, âm thanh, ánh sáng…
Đặc biệt, trong chương trình, chúng tôi đã dùng chính lực lượng ở địa phương làm nòng cốt để phát huy tối đa yếu tố bản địa cho câu chuyện phát triển văn hóa và du lịch. Hơn 300 người lái đò, hóa thân thành những diễn viên giữa mênh mông nước, tái hiện những câu chuyện về vùng đất, con người Cố đô. Tất nhiên, với lực lượng diễn viên lên tới 700 con người, cả chuyên nghiệp và không chuyên tham gia biểu diễn thì để có được sự phối hợp đồng đều, nhuần nhuyễn, hay và tinh tế là sự nỗ lực lớn trong việc hợp luyện, nhất là khi sân khấu hoàn toàn ở dưới nước.
Lần đầu tiên được thưởng thức một đêm nghệ thuật đặc sắc trên nền sân khấu thực cảnh, ông Lê Văn Hòa (thành phố Ninh Bình) xúc động: Tỉnh ta đã tổ chức được một sự kiện văn hóa tầm cỡ. Câu chuyện di sản được kể bằng từng lát cắt với chất lượng nghệ thuật làm mãn nhãn người xem. Ban đầu, tôi có dự định xem chương trình nghệ thuật trong đêm khai mạc, nhưng những tiết mục nghệ thuật cuốn hút đã “níu” tôi theo dõi tất cả các hoạt động văn hóa trong khuôn khổ Festival. Với lợi thế về thiên nhiên, lịch sử, con người, Ninh Bình thực sự là một điểm đến lý tưởng của du khách gần, xa; là điểm hẹn tuyệt vời của các miền di sản. Tôi rất tự hào về những nỗ lực của tỉnh nhà trong việc gìn giữ di sản.
Nơi hội tụ những sắc màu văn hóa
Mang nghệ thuật cải lương đi công diễn khắp nơi, và cũng không phải lần đầu tiên phục vụ khán giả ở tỉnh Ninh Bình, nhưng đây là lần đầu tiên cải lương, trong đó là điểm nhấn Đờn ca tài tử đến với Ninh Bình để tham gia một sự kiện văn hóa đặc sắc “Di sản Văn hóa Nam Bộ – Hành trình tiếp nối”.
Đạo diễn chương trình Lâm Viên cho biết: Chương trình biểu diễn Đờn ca tài tử – cải lương – âm nhạc dân gian Nam Bộ đã tái hiện cuộc sống vùng đất Phương Nam đất rộng người thưa, đồng ruộng mênh mông, rạch sông chằng chịt… Nơi mà những điệu lý – câu hò – đờn ca tài tử đã gắn liền với cuộc sống người dân như máu thịt của mình…
Trong 70 phút, chương trình tái hiện những nét văn hóa đặc sắc nhất của vùng đất Phương Nam: Chợ nổi, đò ngang, đò dọc, kiếp thương hồ, những ngành nghề truyền thống đặc sắc nhất, những tính cách đặc trưng nhất của con người đất phương Nam… bằng chất liệu âm nhạc dân gian, đờn ca tài tử qua phần ca ngâm của các nghệ nhân dân gian, nghệ sĩ cải lương Nam Bộ, và các hình thức biểu diễn như múa, xiếc, ảo thuật được sử dụng để hỗ trợ cho không gian biểu diễn.
Tham gia vào sự kiện văn hóa ý nghĩa này, các thành viên trong đoàn đều cảm thấy ngỡ ngàng trước vẻ đẹp tuyệt vời của cảnh sắc Ninh Bình; xúc động vì sự chuẩn bị rất chu đáo, hoành tráng của tỉnh nhà để các di sản có dịp hội tụ và lan tỏa.
NSND Thanh Tuấn, thành viên tham gia Chương trình Di sản Nam bộ nói rằng, ông đã đứng trên rất nhiều sân khấu lớn, nhỏ để biểu diễn nghệ thuật cải lương. Nhưng đây là lần đầu tiên ông đến Ninh Bình và tham gia một sự kiện được đầu tư hoành tráng, mang tầm cỡ quốc gia. ” Hiện nay, rất ít tỉnh phía Bắc tổ chức được chương trình Di sản Nam Bộ. Chúng tôi cảm ơn Ninh Bình đã tổ chức một hoạt động văn hóa ý nghĩa như thế này. Hi vọng rằng, từ chương trình này sẽ lan tỏa đến nhiều tỉnh, thành phố khác ở phía Bắc. Tôi cũng mong muốn, tỉnh Ninh Bình sẽ tổ chức sự kiện này mỗi năm để chúng tôi có dịp đưa di sản văn hóa địa phương mình đến với miền quê tuyệt đẹp và hiếu khách này. Ninh Bình sẽ là điểm hẹn lý tưởng của các di sản văn hóa”- NSND Thanh Tuấn nói.
Chương trình Di sản văn hóa Bắc Bộ – Trung Bộ và Bế mạc Festival “Cố đô đón chào năm mới” được tổ chức vào ngày cuối cùng năm 2023 và chào đón năm mới 2024 là một đêm nghệ thuật đặc sắc trên sân khấu thực cảnh tại Khu du lịch sinh thái Thung Nham.
Chương trình sử dụng ngôn ngữ nghệ thuật kết hợp với dàn diễn viên là những người dân bản địa cùng hệ thống đạo cụ quy mô lớn, âm thanh, ánh sáng hiện đại, mang đến cho người xem nhiều cung bậc cảm xúc với các loại hình nghệ thuật truyền thống của Bắc Bộ, Trung Bộ như: Chèo, ca trù, xẩm, quan họ, hát văn, Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, Hò Mái Nhì, Hầu Văn Huế…
Nghệ sĩ Nguyễn Minh Trí đến từ Nhà hát chèo Việt Nam cho biết, ông đã từng xem Festival Ninh Bình-Tràng An lần thứ I qua màn ảnh nhỏ và ông đã rất ấn tượng bởi tỉnh Ninh Bình là địa phương đi đầu trong cả nước tổ chức được một sự kiện văn hóa quan trọng nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. “Thật hạnh phúc khi năm nay tôi được trực tiếp tham gia Festival Ninh Bình-Tràng An lần thứ II với vai trò là một nghệ sỹ. Tôi đánh giá rất cao công tác chuẩn bị của tỉnh Ninh Bình.
Hơn 49 năm trong nghề, đây là lần đầu tiên tôi được hội tụ cùng với nhiều nghệ sĩ của các vùng, miền trong cả nước để biểu diễn ở một sân khấu thực cảnh hoành tráng trên đất Cố đô giàu truyền thống. Đứng trên sân khấu hiện đại để biểu diễn nghệ thuật chèo truyền thống trong giờ khắc năm mới sắp điểm, trước hàng ngàn khán giả, trong đó có rất nhiều khán giả trẻ, tôi vô cùng xúc động và càng ý thức được trách nhiệm của người nghệ sĩ trong việc gìn giữ các di sản văn hóa của quê hương. Thay mặt nghệ sĩ, những người được đứng đây để lan tỏa tình yêu, giá trị của di sản văn hóa đến với đông đảo công chúng, tôi hi vọng rằng những mùa lễ hội di sản năm sau, chúng ta sẽ lại được gặp nhau và cùng kể những câu chuyện di sản bằng những đêm diễn độc đáo, ấn tượng như thế này”- nghệ sĩ Nguyễn Minh Trí chia sẻ.
Hướng tới lễ hội đặc trưng của Ninh Bình
Phát biểu tại lễ khai mạc Festival Ninh Bình-Tràng An lần thứ II năm 2023, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân khẳng định: Ninh Bình là vùng đất có bề dày lịch sử văn hóa, được thiên nhiên ưu đãi bởi cảnh quan tươi đẹp, đặc sắc, sở hữu các di tích-danh thắng với mức độ đậm đặc, nhất là Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới-Di sản hỗn hợp duy nhất ở Đông Nam Á đến thời điểm hiện tại.
Tỉnh Ninh Bình đã có sự bứt phá ngoạn mục trở thành một tỉnh phát triển toàn diện. Việc đổi mới cách thức tổ chức Festival lần này cũng cho thấy quyết tâm của tỉnh về phát huy vai trò to lớn của văn hóa trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước. Sự kiện còn có ý nghĩa kết nối di sản, các trung tâm du lịch mang tính liên vùng, thúc đẩy hoạt động giao lưu văn hóa, phát huy giá trị di sản trong phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, khu vực.
Phó Chủ tịch nước mong rằng Festival Ninh Bình-Tràng An tiếp tục nhận được sự hưởng ứng, tham gia rộng rãi của các tổ chức, cá nhân, của nhân dân du khách ở trong và ngoài nước để sự kiện trở thành một thương hiệu văn hóa đặc sắc của Ninh Bình, mang tầm quốc gia và quốc tế. Với tinh thần đoàn kết, khát vọng vươn lên, phát huy tối đa tiềm năng giá trị độc đáo và lợi thế riêng có của vùng đất Cố đô Hoa Lư, tin tưởng rằng Ninh Bình sẽ đạt được mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2035. Đồng thời là một trong những địa phương đi đầu cả nước về phát triển công nghiệp văn hóa, là hình mẫu tiêu biểu kết hợp hài hòa giữa phục dựng, bảo tồn di sản với tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.
Trong dòng chảy chung của nền văn hóa Việt Nam, văn hóa Ninh Bình đã kế thừa đầy đủ các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, mang nét đặc trưng riêng có của vùng đất Cố đô Hoa Lư lịch sử. Di sản văn hóa hiện diện cả ở dạng văn hóa vật thể và phi vật thể khắp nơi trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Những năm qua, tỉnh Ninh Bình đã ban hành và thực hiện các đề án, kế hoạch phát triển văn hóa. Đồng thời, tỉnh ta cũng có nhiều nỗ lực nhằm xây dựng các sản phẩm văn hóa du lịch đặc trưng của Ninh Bình như: Tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao nhằm thu hút sự quan tâm, chú ý của giới tinh hoa và du khách trong nước, quốc tế; Tổ chức các lễ hội văn hóa truyền thống và hiện đại; Đầu tư đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của các bảo tàng công lập, ngoài công lập trở thành điểm tham quan học hỏi về lịch sử, văn hóa và trải nghiệm các di sản văn hóa phi vật thể đặc trưng của tỉnh; Xây dựng không gian diễn xướng cho các loại hình nghệ thuật truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa của Ninh Bình… Và đặc biệt, từ năm 2022, Ninh Bình đã tổ chức thành công sự kiện Festival Ninh Bình-Tràng An – khởi đầu cho nỗ lực trong việc kết nối, hội tụ và lan tỏa các giá trị di sản văn hóa.
Đồng chí Tống Quang Thìn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban tổ chức Festival Ninh Bình-Tràng An lần thứ II năm 2023 khẳng định: Là địa phương chủ nhà của Festival, với tinh thần tích cực, chủ động, trọng thị và hiếu khách của một vùng đất có bề dày lịch sử văn hóa, tỉnh Ninh Bình đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, các tỉnh, thành phố trong công tác chuẩn bị và tổ chức sự kiện; đã dành sự quan tâm đặc biệt, huy động toàn lực với tinh thần đoàn kết, nỗ lực cao nhất để Festival Ninh Bình diễn ra an toàn, thành công.
Trong Festival Ninh Bình – Tràng An lần thứ II năm 2023, lần đầu tiên tỉnh Ninh Bình hướng đến mục tiêu xã hội hóa công tác tổ chức lễ hội. Các hoạt động cũng được tổ chức theo hướng mở, tăng tính tương tác với cộng đồng để người dân và du khách có thể trực tiếp xem và tham gia các hoạt động của Festival.
Với nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc, có tính kết nối và lan tỏa cao, được tổ chức theo một cách tiếp cận khác lạ với một góc nhìn đầy sắc màu di sản vùng miền nhưng cũng mang hơi thở của thời đại, tỉnh Ninh Bình đã thực sự sống trong không khí lễ hội sôi động và hân hoan.
Thành công của Festival Ninh Bình-Tràng An lần thứ II năm 2023 sẽ tiếp tục là tiền đề, cơ sở quan trọng để tỉnh Ninh Bình hướng tới xây dựng “Festival Ninh Bình” trở thành sự kiện văn hóa lớn, một thương hiệu quy mô tầm cỡ quốc gia và quốc tế; nơi kết nối, hội tụ, tôn vinh và lan tỏa các giá trị di sản văn hóa tiêu biểu của dân tộc và nhân loại, góp những bước đi đầu tiên trong ý tưởng xây dựng công nghiệp văn hóa và thành phố di sản thiên niên kỷ tại tỉnh Ninh Bình.
Đào Hằng-Minh Quang